THCL KTNN vừa có kết luận kiểm toán, trong đó yêu cầu Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp thêm hơn 400 tỷ đồng tiền thuế, vì có hành vi lách luật, chuyển giá… thông qua chuỗi công ty con.
Phải nộp thêm 400 tỷ đồng tiền thuế
Qua kiểm toán Sabeco, KTNN cho biết, Sabeco đã thành lập và bán sản phẩm của mình thông qua Công ty Thương mại Sabeco, từ đó, DN này kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán ra tại công ty con.
Theo quy định bia, rượu, thuốc lá… là hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 50% giá bán, tuy nhiên, giá bán ở mốc thời điểm nào lại là một vấn đề bởi giá này sẽ ảnh hưởng quyết định đến số thuế DN phải nộp.
Thông tư 05/2012, Bộ Tài chính quy định rõ: Nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là giá bán của cơ sở sản xuất, nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra...
Tuy nhiên, đi vào thực tế, một loạt vấn đề được đặt ra. Cụ thể, trong trường hợp kiểm toán tại Sabeco, KTNN cho biết, Sabeco vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia.
Sabeco sản xuất và bán bia cho Công ty thương mại Sabeco (công ty con). Công ty thương mại Sabeco không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con khác do DN này chi phối với giá thấp. Sau đó, bia được bán lại cho công ty khu vực, đến các đại lý cấp 1, 2, 3, đến nhà hàng... rồi mới đến người tiêu dùng. Như vậy, theo quy định tại Thông tư 05, khó xác định giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế.
Sabeco cho rằng đã làm đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn nên không sai trong việc tính và nộp thuế.Theo Sabeco, các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết (dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần) nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.
Tuy nhiên, theo KTNN, Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực (đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco). Theo đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408 tỷ đồng.
Về phía Bộ Tài chính cho rằng, Sabeco đã chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để “ăn” lợi nhuận thông qua thành lập chuỗi 10 công ty con để phân phối bia Sài Gòn.
Sabeco “kêu”… chưa phù hợp với quy định?
Trước kết luận của KTNN, đại diện Sabeco đã liên tiếp có văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính... khẳng định đã làm đúng quy định của các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn. Các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết (dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần) nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.
Nếu nộp bổ sung thuế TTĐB theo kiến nghị của KTNN là chưa phù hợp với Luật Thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tổng công ty nói riêng và các DN nội địa nói chung vì biên độ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với DN nước ngoài, ảnh hưởng đến duy trì và phát triển các thương hiệu quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Theo văn bản gửi cơ quan chức năng, Sabeco cho biết, hiện hàng loạt “ông lớn” là tổng công ty, tập đoàn khác cũng có mô hình hoạt động, kinh doanh và nộp thuế TTĐB tương tự như DN này. Điển hình là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá VN, Công ty liên doanh Nhà máy bia VN (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger)...
Theo phía Sabeco thì “không thể xử lý được các phát sinh” vì nếu thực hiện như kết luận kiểm toán, các đơn vị của Sabeco sẽ phải nộp bổ sung thuế TTĐB làm giảm lợi nhuận từ năm 2008 đến nay. Tính ra, số tiền từ năm 2008 - 2014 Sabeco sẽ phải nộp thêm mỗi năm 350 - 400 tỷ đồng, tổng cộng sẽ lên tới khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, khoản lợi nhuận từ năm 2008 đến nay, Sabeco công bố “tổng công ty đã chia cổ tức cho cổ đông”...
Vì vậy, Sabeco đề nghị chỉ nộp thêm khoảng 58 tỷ đồng liên quan đến các thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN và giá trị gia tăng mà KTNN đã kết luận?
Thiên Đức - Duy Thế ( Thương hiệu& Công luận)