Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và đồ gia dụng Hồng Kông - Mega Show Part 1 (Hội chợ) được đánh giá là một trong những sự kiện thương mại quan trọng, có quy mô và hiệu quả nhất tại châu Á.
Phát huy kết quả đạt được tại các kỳ tham gia hội chợ trước đây, năm 2023, thực hiện nhiệm vụ khuyến công quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022, Cục Công Thương địa phương tiếp tục tổ chức đoàn cơ sở công nghiệp nông thôn Việt Nam tham gia Hội chợ.
Mục tiêu của Hội chợ nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh quốc gia, hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu Việt; giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu về thủ công mỹ nghệ, quà tặng, đồ chơi, hàng gia dụng có khả năng phát triển thị trường tại Hồng Kông; giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác nước ngoài; thúc đẩy mạng lưới tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ tại thị trường Hồng Kông và các nước khác trên thế giới.
Quy mô - dự kiến 30 gian hàng với các ngành hàng:
Hàng gia dụng và trang trí nội - ngoại thất: Mây tre thủ công mỹ nghệ, sơn mài, gốm sứ, thêu ren, dệt may nội thất, đồ sân vườn và ngoại thất…;
Quà tặng, đồ chơi và sản phẩm gia dụng: Quà tặng quảng cáo, đồ lưu niệm, máy tính bỏ túi, đồ trang sức, hoa giả, dệt may mỹ nghệ, văn phòng phẩm, đồng hồ, đèn các loại, đồ thuỷ tinh & pha lê, khung ảnh, nến, túi xách, đồ trang trí noel…;
Đối tượng tham dự là các cơ sở công nghiệp nông thôn phù hợp với đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công.
Thời gian và địa điểm tổ chức hội chợ: Từ ngày 20/10/2023 đến ngày 23/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông.
Mỗi cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ 100% chi phí thuê 1 gian hàng tiêu chuẩn 9m2 (3m x 3m x 2,5m); 100% chi phí trang trí tổng thể khu trưng bày của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ; 100% chi phí thông tin tuyên truyền cho gian hàng tại Hội chợ (từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023)
Chi phí cơ sở công nghiệp nông thôn tự lo: Chi phí xuất nhập cảnh, ăn, ở, đi lại; chi phí liên quan đến hàng hoá, như: Các loại thuế về hàng hoá khi tham gia Hội chợ, chi phí gửi hàng…; chi phí sử dụng các dịch vụ tại Hội chợ: phí dịch vụ thuê thêm, thiết bị, thu dọn vệ sinh (phát sinh thực tế tại Hội chợ).
Các nghĩa vụ của các cơ sở công nghiệp nông thôn khi tham gia chương trình:
Hoàn thành hồ sơ đăng ký tham gia chương trình và thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy định của Ban tổ chức.
Sau khi kết thúc Hội chợ, trong vòng 15 ngày cơ sở công nghiệp nông thôn tham dự Hội chợ gửi báo cáo kết quả, hồ sơ tham gia hội chợ theo yêu cầu về Cục Công Thương địa phương.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn quan tâm có thể gửi hồ sơ đăng ký tham gia trước ngày 18/9/2023. Hồ sơ bao gồm:
Hồ sơ đăng ký tham gia hội chợ (theo mẫu); đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí KCQG năm 2023; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có dấu công ty);
Văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương về hoạt động trực tiếp đầu tư sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn (bản sao có dấu công ty);
Báo cáo tài chính năm 2022 (đối với doanh nghiệp, bản sao có dấu công ty); tờ khai xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (đối với doanh nghiệp, áp dụng mẫu phụ lục kèm theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa);
Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội năm; đăng ký gian hàng tại Hội chợ (theo mẫu của Ban tổ chức hội chợ); tài liệu giới thiệu về cơ sở CNNT; hình ảnh các sản phẩm dự kiến trưng bày tại Hội chợ.
Ban tổ chức ưu tiên lựa chọn cơ sở công nghiệp nông thôn gửi hồ sơ sớm và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên.
Hồ sơ đăng ký tham dự Hội chợ, gửi về: Phòng Quản lý khuyến công - Cục Công Thương địa phương.
Minh Anh