Năm 2022 là một năm có những thuận lợi và khó khăn thách thức với thị trường bất động sản Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Năm 2022 là một năm có những thuận lợi và khó khăn thách thức với thị trường bất động sản Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành lần 2 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức. 

Phát biểu tại Hội nghị TS. Nguyễn Văn Khôi Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2022 là một năm có những thuận lợi và khó khăn thách thức với thị trường bất động sản Việt Nam. Bước vào giai đoạn 2022 - 2025, Chính phủ định hướng hỗ trợ phát triển ngày càng hoàn thiện. Ngay từ đầu năm 2022, chúng ta đã tổ chức các hội nghị đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản. Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản. Trong quá trình tiến tới hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có giải pháp trước mắt và lâu dài, chỉ đạo quyết liệt để phát triển bất động sản trong giai đoạn tới.

Toàn cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tồn tại một số rủi ro tác động đến thị trường bất động sản: Dịch Covid-19, nguy cơ dịch bệnh khác... tác động đến quá trình triển khai, phát triển thị trường bất động sản, các điểm nghẽn được tháo gỡ nhưng chưa triệt để. Thách thức từ phía thực thi, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, xu hướng phát triển công nghệ và mô hình mới… Vấn đề già hóa dân số và sự phát triển của khoa học công nghệ toàn cầu cũng tác động vào quá trình đó.

Từ thách thức, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu… đến các nguồn vốn tài trợ trong đó có nguồn vốn bất động sản nói chung, bất động sản khu công nghiệp nói riêng trong thời gian tới.

Thách thức từ cơ chế chính sách, ta đang tiến tới hoàn chỉnh khung pháp lý; áp lực lạm phát, lãi suất tăng… nguồn vốn bất động sản vẫn là bài toán thách thức; niềm tin, công tác quy hoạch.

Chất lượng hạ tầng còn nhiều bất cập, được phê duyệt nhiều nhưng chưa triển khai được vì cần nhiều nguồn lực. Liên thông giữa thị trường bất động sản chưa hiệu quả, hệ thống thông tin bất động sản chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Cây – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim cho hay: Tôi hết sức đồng tình với các báo cáo của Hiệp hội, hoan nghênh những kế hoạch đề ra trong năm 2023. Tôi đánh giá cao quyết tâm của Ban lãnh đạo Hiệp hội trong năm nay khi đã thực hiện tốt vai trò của mình cho Hiệp hội và sau đó là cho thị trường bất động sản. Tiếng nói của chúng ta đã đến nhiều cơ quan làm luật, nhiều bộ ngành. 

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, nhiều vấn đề thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ. Tôi nghĩ cần có những kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa dưới tiếng nói của Hiệp hội. 

Về công tác văn phòng, chúng ta nên hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều văn bản. Chúng ta nên hướng tới sự tóm tắt ngắn gọn nhất để các thành viên của Hiệp hội dễ hiểu, dễ tham gia…

Ngoài ra, việc thành lập các cơ quan thành viên của Hội là cần thiết nhưng phải đánh giá thường xuyên vai trò của họ để đạt hiệu quả tốt nhất, kết nối được các thành viên.

Với việc tổ chức các hội thảo, cần dành nhiều thời gian hơn cho việc tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp, địa phương để có tính thực tiễn nhiều hơn. 

Tham luận tại đại hội, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và phân phối DTJ chia sẻ: Trong báo cáo tôi thấy không đề cập đến vấn đề quy hoạch, trong khi tất cả các vấn đề đều từ quy hoạch, điển hình như khủng hoảng thừa năm 2012 cũng xuất phát từ việc thừa chung cư cao cấp. Tôi thấy cũng chưa ai trong hội nghị nói về bất động sản công nghiệp.

Tôi thấy có vấn đề như sau, chuẩn bị cho quy hoạch quốc gia thì Hiệp hội nên có ý kiến. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội sản xuất còn nhỏ lẻ, cũng bị ảnh hưởng từ quy hoạch. Quy hoạch ngành thiếu và quy hoạch khu thiếu nên doanh nghiệp sản xuất của cả trong nước lẫn nước ngoài đều rất thiếu, chi phí logistics từ khu này đến khu kia để vận chuyển đều rất khó khăn, đắt đỏ.

Doanh nghiệp nước ngoài làm tại Việt Nam họ đều chọn khu vực gần cảng biển để tiện giao thông, trong khi doanh nghiệp nội thì còn thiếu. Đề nghị Hiệp hội nên có góp ý với Chính phủ về quy hoạch ngành.

Vị trí địa lý của Việt Nam như hiện nay rất tuyệt vời cho phát triển kinh tế, chính trị, tuy nhiên quy hoạch yếu đã khiến cho sản xuất công nghiệp khó khăn, vì không mang tính chất lâu dài. Do vậy theo tôi, quy hoạch ngành ở từng địa phương nên chọn rõ ngành gì để tận dụng thế mạnh địa phương và nguồn lực để phát triển, vừa đỡ ô nhiễm môi trường lại giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

"Quy hoạch hiện nay đang “trăm hoa đua nở”, không có nghiên cứu kỹ nên đất đai không được sử dụng hiệu quả, trong khi doanh nghiệp lại chịu phí đắt đỏ", ông Khánh nhấn mạnh.

Thay mặt Ban thường trực, TS. Nguyễn Văn Khôi phát biểu tiếp thu ý kiến của các Hội viên, chuyên gia, khách mời. “Tôi mong rằng các đồng chí phát biểu sẽ tiếp tục gửi ý kiến về Hiệp hội thông qua nhiều hình thức. Ban Pháp chế Hiệp hội đã tổng hợp các ý kiến từ các tập đoàn doanh nghiệp như Vingroup, BRG, Hoàng Quân, Novaland, Hưng Thịnh… Khi Ban Pháp chế tổng hợp xong thì cần đăng tải công khai một lần nữa để những doanh nghiệp có thể bổ sung và tiếp tục đóng góp ý kiến”.

"Tuy nhiên, cùng với việc Hiệp hội chủ động thì  yêu cầu các doanh nghiệp cũng cần chủ động kiến nghị để cùng đồng hành với Hiệp hội", ông Khôi chia sẻ.

Một số hoạt động khác sẽ được Hiệp hội bất động sản đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới là: Góp ý sửa đổi luật; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại các địa phương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối mạnh doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; đồng hành hiệu quả với hội viên bất động sản, đưa các thông tin của Hiệp hội được thông suốt; trung tâm thông tin thị trường bất động sản sẽ thường xuyên, chính thống và hiệu quả hơn.

Khánh Yên