1. Có những loại rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng phi ngân hàng nào?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-NHNN, rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ các trường hợp quy định dưới đây.
Trong đó, khách hàng (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quan hệ với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong việc nhận cấp tín dụng (bao gồm cả nhận cấp tín dụng thông qua ủy thác), nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, loại rủi ro tính dụng là Rủi ro tín dụng đối tác.
Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phân hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác.
Trong đó, đối tác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có giao dịch với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong các giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác.
File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 |
Những loại rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Thông tư 14/2023/TT-NHNN, báo cáo nội bộ về rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
(i) Chất lượng tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng, danh mục cấp tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo sản phẩm.
(ii) Khoản cấp tín dụng có vấn đề, các biện pháp xử lý khoản cấp tín dụng có vấn đề.
(iii) Khách hàng có dư nợ tín dụng thực tế cao hơn hạn mức rủi ro tín dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Thông tư 14/2023/TT-NHNN.
(iv) Tình hình trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng.
(v) Cảnh báo sớm khả năng vi phạm các giới hạn, hạn mức rủi ro tín dụng.
(vi) Các vi phạm về quản lý rủi ro tín dụng và lý do vi phạm.
(vii) Các đề xuất, kiến nghị về quản lý rủi ro tín dụng.
(viii) Kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị về quản lý rủi ro tín dụng của kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
3. Rủi ro tín dụng được theo dõi và kiểm soát như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Thông tư 14/2023/TT-NHNN, việc theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng được quy định như sau:
(i) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với từng khoản cấp tín dụng và toàn bộ danh mục cấp tín dụng và có biện pháp xử lý khi chất lượng tín dụng bị suy giảm, tối thiểu đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Theo dõi kết quả phân loại nợ của khoản cấp tín dụng.
- Đánh giá mức độ đầy đủ của dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
(ii) Việc theo dõi và kiểm soát rủi ro tín dụng tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:
- Vai trò và trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận thực hiện theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng.
- Thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng.
- Kiểm soát rủi ro tín dụng theo hạn mức rủi ro tín dụng được phân bổ đối với danh mục các khoản cấp tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo sản phẩm.
- Tiêu chí đánh giá và phương pháp xác định mức độ suy giảm chất lượng tín dụng của từng danh mục cấp tín dụng; cơ chế cảnh báo sớm khi có nguy cơ chất lượng tín dụng của khách hàng bị suy giảm.
4. Phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng
Căn cứ Điều 23 Thông tư 14/2023/TT-NHNN, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng đảm bảo được quy định như sau:
(i) Thẩm quyền phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng phải được xác định theo các tiêu chí định lượng, định tính.
(ii) Trường hợp phê duyệt theo cơ chế hội đồng, hội đồng phê duyệt phải có biên bản phê duyệt hoặc hình thức tương đương, trong đó nêu rõ lý do phê duyệt hoặc không phê duyệt và ghi nhận (hoặc đính kèm) ý kiến của các thành viên hội đồng. Thành viên hội đồng phê duyệt phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.
(iii) Thông tin cung cấp để phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng phải đầy đủ, phù hợp với quy mô, loại hình cấp tín dụng và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Quy định về danh mục thông tin làm cơ sở để phê duyệt quyết định có rủi ro tín dụng phải được bộ phận quản lý rủi ro đánh giá đảm bảo thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro tín dụng.
H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)