THCLLà một doanh nghiệp được nhà đầu tư chờ đợi lên sàn, nhưng cổ phiếu CTCP Masan Consumer (MCH) lại đóng cửa tại mức giá tham chiếu là 90.000 đồng/cổ phiếu vào phiên chào sàn UPCoM ngày 05/01/2017 với khối lượng giao dịch 163.000 cổ phiếu.

Cổ phiếu Masan Consumer ra sao trong ngày lên sàn? - Hình 1

Tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do thấp, khoảng 16 triệu cổ phiếu, do đó thanh khoản cổ phiếu khá hạn chế. Ở mức giá này, Masan Consumer có vốn hóa thị trường là 48.429 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức giá của cổ phiếu MCH có thời điểm đã tăng lên 126.000 đồng trong phiên giao dịch này trước khi giảm giá khá mạnh vào buổi chiều. Theo lý giải của ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc khối Phân tích CTCK HSC, cổ phiếu MCH giảm trước thông tin đăng tải trên một số trang báo mạng về việc Bộ Y tế tiến hành thanh tra các công ty nước mắm là Masan Consumer và Khải Hoàn. Đợt thanh tra sẽ bắt đầu sau Tết Nguyên đán và là đợt thanh tra thông thường.

Trước đó Bộ Y tế cũng đã thanh tra các nhà máy sản xuất nước mắm của Masan vào tháng 6 và tháng 10/2016 và kết luận Masan tuân thủ tất cả các quy định và tiêu chuẩn.

Trong bản công bố thông tin giao dịch sàn UpCOM, Masan Consumer xác định mức trả cổ tức năm 2017 là 4.000-5.000 đồng/cổ phiếu bằng tiền mặt. Đáng chú ý, tổng mức cổ tức MCH đã chi trả từ năm 2014 cho các cổ đông đã lên đến hơn 11.000 tỷ đồng.

Masan Consumer hiện đang sở hữu nhiều nhãn hàng như: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, VinaCafe, Wake-up, Vĩnh Hảo, Kachi,… Năm 2014, 6 thương hiệu của Masan Consumer gồm: Chin-su, Vinacafe, Kokomi, Wake-up, Omachi, Nam Ngư có quy mô doanh số trên 1.000 tỷ đồng. 6 thương hiệu này đóng góp tới 50% doanh thu của toàn tập đoàn Masan. Theo số liệu được công bố năm 2014, Masan nắm giữ 70% thị phần nước mắm, 71% thị phần nước tương, 43% thị phần tương ớt, 41% thị phần cà phê hòa tan.

Trước thông tin Bộ Y tế sẽ thanh tra đối với Masan Consumer, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan cũng giảm nhẹ 0,6% trong phiên giao dịch 05/01, về mức 63.100 đồng/cổ phiếu.

Theo Infonet