Tại phiên giao dịch ngày 15/3, giá cổ phiếu của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có thời điểm rớt xuống chỉ còn 210.000 đồng/cổ phiếu.
So với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu mà Bộ Công Thương đã bán cho Tập đoàn Thaibev của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, khi Tập đoàn này mua lại 53,59% cổ phần để sở hữu Sabeco (12/2017) thì đến nay giá cổ phiếu của công ty này đã “bốc hơi” khoảng 110.000 đồng/cổ phiếu.
Bản đồ cổ phiếu Sabeco liên tục tụt giảm (Ảnh IT)
Nếu so với đỉnh giá cổ phiếu Sabeco đạt được vào ngày 29/11/2017 với giá một cổ phiếu đạt 335.489 đồng thì con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Sabeco đã không giữ vững được "phong độ" đỉnh cao mà ngay sau phiên đấu giá, cổ phiếu của công ty này đã lao dốc “không phanh”. Đến nay, cổ phiếu này vẫn chưa ngừng tụt giảm.
Có thời điểm vào ngày 14/3, giá cổ phiếu SAB tụt giảm còn 208.000 đồng/ cổ phiếu. Tuy nhiên, đến khi chốt phiên giao dịch trong ngày thì giá cổ phiếu ở mức 214.600 đồng/cổ phiếu.
Với việc giá cổ phiếu Sabeco rớt giá (xuống thấp hơn 300.000 đồng/ cổ phiếu) phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu Sabeco. Trong bốn phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu Sabeco liên tục đỏ sàn. Đơn cử, vào ngày 9/3, giá cổ phiếu Sabeco là đạt 220.400 đồng, đến ngày 14/3 chỉ còn 214.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy trong một thời gian ngắn, Sabeco mất hơn 3.700 tỉ đồng giá trị vốn hóa. Tính chung vốn hóa của Sabeco hiện nay chỉ còn khoảng 137.000 tỉ đồng, giảm 70.000 tỉ đồng so với thời điểm đấu giá.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn bỏ ra 110.000 tỷ đồng để sở hữu 343 triệu cổ phiếu từ Sabeco, tỷ phú Thái Lan Sirivadhanabhakdi với đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage đang thiệt hại lớn trong thương vụ này. Tuy nhiên, Thái Bev cho rằng thương vụ này nằm trong kế hoạch Tầm nhìn 2020 của công ty, nhằm củng cố vị thế là hãng bia lớn nhất Đông Nam Á. Việc chi trả giá cao nhằm nắm quyền chi phối và sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn lâu đời là bước đi cho tương lai.
Năm 2018, Sabeco ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 35.981 và 4.806 tỉ đồng, tăng lần lượt 4,4% và 2,2% so với năm 2017 (Ảnh IT)
Mới đây, Sabeco đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho phép gia hạn nộp báo cáo tài chính 4 quý năm 2017, báo cáo bán niên 2017, báo cáo tài chính năm 2017. Lý do được Sabeco đưa ra là công ty đại chúng có quy mô lớn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo công ty mẹ hợp cộng từ 2 nhà máy trực thuộc, báo cáo tài chính hợp nhất cộng từ 23 công ty con, ngoài ra phải thu thập số liệu của 21 công ty liên doanh, liên kết.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thoái vốn tại công ty con của Sabeco và việc đầu tư thua lỗ vào nhiều công ty liên kết dẫn đến phải trích lập dự phòng 444 tỉ đồng là một trong những ly do khiến cổ phiếu Sabeco liên tục bị tụt giảm. Đáng chú ý là khoản đầu tư 126 tỷ đồng vào Ngân hàng Đông Á. Hiện ngân hàng này đang bị Ngân hàng Nhà nước cho vào diện kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn yêu cầu Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước còn lại từ năm 2016 trở về trước là 2.495,4 tỉ đồng. Do lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31/12/2016 là 2.930 tỉ đồng và chưa được chia cổ tức cho các cổ đông.
Đồng thời đang xem xét việc truy thu lại gần 13 tỉ đồng chi thưởng cho ban điều hành Sabeco do chi thưởng vượt mức.
Năm 2018, Sabeco ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 35.981 và 4.806 tỉ đồng, tăng lần lượt 4,4% và 2,2% so với năm 2017. Cổ tức duy trì 35%.
Vinh Hữu