Theo Bộ Nội vụ, việc áp dụng mô hình sử dụng linh hoạt nguồn nhân lực trong khu vực công, bao gồm cả cơ chế hợp đồng ngoài công vụ cho các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ, là xu hướng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều cơ quan nhà nước cũng phát sinh nhu cầu tuyển dụng những người có chuyên môn đặc thù hoặc thực hiện các công việc không thường xuyên, có tính chất thời vụ như dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số hay công việc tại bộ phận "một cửa".

Cơ quan nhà nước sẽ “thuê” lãnh đạo, chuyên gia ngoài công vụ để nâng cao hiệu quả quản lý
Cơ quan nhà nước sẽ “thuê” lãnh đạo, chuyên gia ngoài công vụ để nâng cao hiệu quả quản lý (Ảnh minh họa)

Cơ quan soạn thảo cho rằng việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn cho những công việc này không chỉ giúp giảm áp lực biên chế mà còn tạo sự linh hoạt trong vận hành bộ máy. Do đó, việc xây dựng Nghị định về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức là cần thiết, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ quản trị đất nước.

Dự thảo Nghị định đề xuất hai nhóm đối tượng chính được ký hợp đồng ở vị trí lãnh đạo, quản lý.Nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc: Trong các lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ quy định. Để được ký hợp đồng, họ cần chứng minh khả năng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm thông qua kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong 5 năm gần nhất, có uy tín trên thị trường, và là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động.

Luật gia, luật sư, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành: Trong các lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ quy định. Những đối tượng này phải có uy tín trong ngành, lĩnh vực hoạt động, có trình độ chuyên môn cao, và có sản phẩm, kết quả cụ thể đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn.

Dự thảo Nghị định cũng xác định bốn nhóm công việc chính sẽ được xây dựng cho việc ký kết hợp đồng này:

Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề tài, đề án về kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, cải cách thủ tục hành chính; xây dựng quy trình, thủ tục nội bộ.

Lãnh đạo, chỉ đạo chương trình, kế hoạch, đề tài, đề án được giao hoặc để thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong một thời hạn nhất định.

Các nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo khác theo quyết định của người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức.

Về mặt kinh phí, việc ký kết hợp đồng sẽ được đảm bảo bởi ngân sách nhà nước. Kinh phí này sẽ nằm ngoài quỹ lương và ngoài kinh phí khoán chi hành chính của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có thể huy động thêm kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp khác nếu có.

Cơ quan nhà nước ký hợp đồng có nghĩa vụ xây dựng kế hoạch, đề án ký kết hợp đồng rõ ràng, xác định cụ thể ngành, lĩnh vực, đối tượng, nguồn kinh phí, thời gian thực hiện. Đồng thời, cơ quan này được quyền sở hữu, khai thác, thụ hưởng các kết quả, sản phẩm theo hợp đồng và phải thường xuyên theo dõi, đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệm vụ của người ký hợp đồng.

Quyết định ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng này sẽ do người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm quyết định. Cơ quan nhà nước cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Đề xuất này của Bộ Nội vụ được kỳ vọng sẽ tạo một bước đột phá trong việc thu hút nhân tài chất lượng cao từ khu vực tư nhân và các lĩnh vực chuyên biệt vào khu vực công, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước.

Tâm An (t/h)