Dẫu ông đã đi xa…, nhưng hình ảnh về một vị tướng vừa trực tiếp chỉ huy tác chiến, vừa tổng kết khoa học, những vấn đề chiến thuật và chiến lược quân sự để viết thành những cuốn sách có giá trị lớn phục vụ trực tiếp cho chiến đấu, góp phần vào thắng lợi trên nhiều chiến trường, thì còn nguyên giá trị…

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

1.Hơn 70 năm trong sự nghiệp quân sự cách mạng của đời mình, đã để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm.

Nhưng có thể nói, 3 thời điểm mà ông cho là có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất đó là: Thời kỳ đầu chiến tranh chống thực dân Pháp; thời kỳ Đại thắng mùa xuân năm 1975 và thời kỳ củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ những năm đầu tiên của chiến tranh cách mạng (1945 - 1948), ông đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu Ba. Riêng việc đó đã là một kỷ niệm khó phai.

Mới 24 tuổi đầu, kiến thức quân sự còn rất hạn chế, chỉ mới được dự qua lớp bồi dưỡng quân sự ngắn hạn ở Liễu Châu (Trung Quốc) mà giữ trách nhiệm chỉ huy một chiến trường có tầm quan trọng chiến lược rất lớn, ông vô cùng lo lắng “Làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ?”.

Lúc bấy giờ, Chiến khu Ba là một trong những chiến trường hết sức sôi động và không kém phần ác liệt ở vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, có vị trí chiến lược quan trọng là Hải Phòng, một quân cảng sống còn đối với Quân đội viễn chinh Pháp.

Tại đây, đã nổi lên những trận chiến đấu ác liệt, trong đó có những trận đánh nổi tiếng ở trong nội thành Hải Phòng, những trận đánh ở trên các ngọn đồi Kiến An, do ông trực tiếp chỉ huy.

Ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch ngay tại đô thị, ngăn chặn những cuộc hành quân chiếm đóng của địch, hòng thiết lập một vành đai vững chắc, bảo vệ an toàn Thành phố Hải Phòng.

Phải nhìn vào hoàn cảnh lúc bấy giờ mới thấy hết nỗi lo âu của những người chỉ huy quân sự khi đó. So sánh lực lượng ta - địch hồi đó, đã có người nói rằng chẳng khác gì “châu chấu đá voi”. Song, chúng ta đã đánh cho “voi thực dân lòi ruột ra”!

Trải qua suốt bao năm, ông đã tham gia chiến đấu lăn lộn ở chiến trường, từ biên giới, trung du, Tây Bắc, Điện Biên Phủ trong chiến tranh chống thực dân Pháp, đến các chiến dịch quyết liệt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, trong đó có chiến trường B3.  

Khi ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, ông vinh dự được làm Tư lệnh chiến dịch này…

Trận quyết chiến đầu tiên, Đảng ủy và Tư lệnh chiến trường cùng với Bộ Chính trị và Bộ tổng Tư lệnh đã hoàn toàn nhất trí chọn Buôn Ma Thuột là trận đánh mở màn.

Thượng tướng nói:

“Cái hay, cái khó và cũng là cái khác với những chiến dịch trước ở đây đó là sau khi tiêu diệt quân địch, chúng ta phải làm sao chốt giữ, không để địch phản công chiếm lại. Chúng tôi đã phải bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và tìm hướng giải quyết vấn đề then chốt này.

Trên cơ sở phân tích rõ địa hình và thế - lực cụ thể, chúng tôi thấy then chốt chính là ở chỗ chiếm và giữ sân bay. Với địa hình miền núi, địch chỉ có thể tới bằng đường không, nếu mất sân bay thì địch không thể chiếm lại Buôn Ma Thuột.

Và trận đánh đã thành công!

Quân ta không những làm chủ, tiêu diệt hoàn toàn quân đồn trú tại Buôn Ma Thuột, mà còn giữ vững và làm chủ sân bay, khiến địch không thể chiếm lại được. Chính thành công đó, đã khiến quân địch hoảng hốt phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Điều đó có nghĩa là, toàn bộ quân địch ở miền Nam rơi vào thế bị chia cắt về chiến lược và dẫn tới thảm hoạ sụp đổ hoàn toàn”.

1. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)
Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)

 2. Giáo sư Hoàng Minh Thảo:  

Tư tưởng quân sự của ta là lấy dân làm gốc.

Trần Hưng Đạo nói: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Nguyễn Trãi nói: “Dân là người chở thuyền và cũng là người lật thuyền”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân: Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Nghệ thuật quân sự của Việt Nam đã được Tổ tiên ta đúc kết và gắn liền với phương thức chiến tranh lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy thế thắng lực”.

Theo Giáo sư, trong thực tế chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Việt Nam được thể hiện ở sự kết hợp bởi lực - thần - thế - thời - mưu để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiến hành chiến đấu và chiến thắng kẻ địch.

Mưu cao nhất là mưu lừa kẻ địch. Kế hay nhất là kế điều địch. Thế tốt nhất là thế chia cắt địch. Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời.

Nguyễn Trãi nói: “Được thời cơ thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn/ Không thời mất thế thì to hóa ra nhỏ, mạnh hóa ra yếu, an lại thành nguy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công”.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, trận Buôn Ma Thuột, ta đã thắng địch chính là bằng mưu kế, trong khi địch còn mạnh hơn ta về xe tăng, thiết giáp, máy bay.

Ta đã lừa địch tập trung lực lượng vào Pleiku, Kon Tum và Phú Bổn để sơ hở Buôn Ma Thuột. Ta đã đánh cắt các huyết mạch giao thông chiến lược là đường 19, đường 21 và đường 14 để cô lập Buôn Ma Thuột, đánh thắng nơi sơ hở, mở toang cánh cửa để bộ đội tiến về Sài Gòn…

Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo: “Mưu cao nhất là mưu lừa kẻ địch. Kế hay nhất là kế điều địch...”.
Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo: “Mưu cao nhất là mưu lừa kẻ địch. Kế hay nhất là kế điều địch...”.

3. Năm 2005, Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam (gồm 8 cuốn sách có giá trị) của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Cuốn sách đầu tiên trong Cụm công trình đó ông viết, có tên Học tập khoa học quân sự Xô Viết khi ông đang là Hiệu trưởng Trường Quân sự Trung cao; nó được sử dụng làm công tác huấn luyện quân sự cho cán bộ quân đội.

Sở dĩ cuốn sách ra đời là bởi vì, ông là người đã khởi xướng và thành lập Khoa Lịch sử quân sự của Trường, do đó cần phải nghiên cứu các sách vở quân sự và viết sách quân sự để kịp thời phổ biến cho cán bộ, chiến sỹ.

Hồi chiến tranh chống đế quốc Mỹ, tham gia chỉ huy chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông có mang theo một số giáo trình về lịch sử quân sự.

Mỗi dịp đi công tác trên đường Trường Sơn, qua các binh trạm của bộ đội ta, đặc biệt là các binh trạm thuộc Đường dây 559, ông đều không quên thu thập thông tin, dữ liệu (các cuốn tạp chí, sách văn học, sách viết về quân sự, lịch sử, địa lý…), mang về nghiền ngẫm nhằm tăng thêm sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc.

Trên cơ sở đó, ông đã đúc kết và viết thành cuốn sách Tổ tiên ta đánh giặc (sau đó đã kịp thời được xuất bản tại chiến trường Tây Nguyên).

Cuốn sách đó được viết trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau và không kém phần gian nan, vất vả: tranh thủ những giờ họp giải lao, sau lúc ăn trưa, trên đường đi công tác, khi ngồi bên suối, lúc tựa lưng bên cánh võng… 

Trong những năm 1973 - 1974, ông cũng đã hoàn thành cuốn Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa ngay tại chiến trường.

Trong thời gian là Giám đốc Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), rồi Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, ông đã tiếp tục dày công nghiên cứu, suy nghĩ,  tìm tòi để làm sao vận dụng tốt những kinh nghiệm ấy trong điều kiện mới - thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Chính 5 cuốn sách còn lại (trong tổng số 8 cuốn sách) đã được hoàn thành trong khoảng thời gian này.

Tính ra, 8 cuốn sách - Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam được hoàn thành trong vòng hơn 40 năm (từ 1958 - 2001).

Cụm công trình này, theo nhiều chuyên gia quân sự, là tài liệu tốt, giúp ích rất nhiều cho các cán bộ, chiến sỹ trong học tập và chiến đấu.

Ngoài việc học tập, đúc rút kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh vĩ đại của ông cha ta như Chiến thắng Bạch Đằng, Chiến thắng Chi Lăng, Chiến thắng Đống Đa và các cuộc chiến tranh cổ kim,  Âu - Á như của Hàn Tín đánh Triệu, Anibal trong trận Cane, Epaminonda trong trận Leutro, Napoleon trong trận Auxteclich…, các trận đánh của Hồng quân Liên Xô chống phát xít..., bộ sách còn chỉ ra những phương kế đánh thắng được kẻ thù.

Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo giữa đời thường
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo 

4. Có một điều mà trong quá trình trao đổi với chúng tôi, Giáo sư đã nói tới đó là trong nhiều lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư đã lĩnh hội được hết sức quan trọng  về tư cách của một người làm tướng.

Giáo sư nhận định,hoàn cảnh hiện nay đã khác xa so thời chiến tranh. Chúng ta không thể dập khuôn như thời chiến tranh, cũng như thời chiến tranh không dập khuôn kinh nghiệm của bất cứ quốc gia nào.

Giáo sư trải lòng:

“Đất nước đã hòa bình, thống nhất, đổi mới phát triển và đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu - nền kinh tế tri thức.

Để góp phần làm phong phú thêm kho tàng quân sự cách mạng Việt Nam, các công trình khoa học quân sự của tôi đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và nhiều nhà xuất bản khác in ấn, phát hành - trở thành những tài liệu quý giá, không chỉ trong nghiên cứu  khoa học và nghệ thuật quân sự, mà còn là tài liệu giáo khoa phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện các sỹ quan quân đội”.

Và ông khẳng định:

“Nghệ thuật quân sự - trước hết đó chính là yếu tố để giúp cho chúng ta - một quốc gia nhỏ bé có thể đánh thắng những nước lớn mạnh hơn mình gấp bội!

Và sự sáng tạo chính là bí quyết của sự thành công, trong suốt cả cuộc đời binh nghiệp của tôi”.

Giáo sư nói về cơ hội của đất nước ta hiện nay, trong đó đề cập nhiều tới giới doanh nhân:

“Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, cả dân tộc Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng không phải là nhỏ. Với xu thế toàn cầu hóa, biên giới giữa các quốc gia là biên giới mềm, biên giới của hàng hóa và văn hóa.

Vậy thì, chính những doanh nghiệp, các nhà doanh nhân, chứ không ai khác - là những người sẽ phải đứng mũi chịu sào, là những người quyết định cho sự phát triển hay thụt lùi của nước nhà khi tham gia vào xu thế toàn cầu hóa.

Theo sự suy nghĩ của tôi thì, chân dung một doanh nhân Việt trẻ chính là: Tư tưởng, tri thức và hành động. Họ có khát vọng làm giàu chính đáng, được trang bị kiến thức tốt về thương trường, cũng như sự kết nối về thông tin.

Doanh nhân trẻ là tương lai của đất nước. Nếu họ giàu có, đất nước sẽ giàu có. Nếu họ có trình độ công nghệ cao, đất nước sẽ có công nghệ cao. Nếu họ thành công, đất nước sẽ thành công.

Đứng trước những cơ hội và thách thức của thời đại, trước mắt, các doanh nhân trẻ có thể thấy đầy rẫy những khó khăn rất khó vượt qua.

Tuy nhiên, họ cũng sẽ thấy đây là một cơ hội - không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho một điều gì đó lớn lao hơn.

Doanh nhân trẻ phải luôn ý thức được rằng: Họ không chỉ mang trong mình mục đích làm giàu cho bản thân, mà cao hơn là làm giàu cho đất nước. 

Lịch sử dân tộc đang trao cho họ ấn tiên phong trong việc khơi dậy và minh chứng cho một khát vọng - khát vọng Đại Việt, gây dựng nên một nền kinh tế nước nhà giàu mạnh, ổn định và bền vững.

Khát vọng trở thành một người giàu có thôi chưa đủ, mà đó là khát vọng trở thành một người giàu có trong một dân tộc Việt giàu mạnh.

Một khát vọng Đại Việt - sẽ là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quyết định cho sự thành công của một doanh nhân Việt trẻ”.

Giáo sư nhấn mạnh:

Đó là bản lĩnh, tinh thần tự lực, tự cường; là đoàn kết sáng tạo; là huy động sức mạnh của toàn dân tộc, cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, kiên định với mục tiêu dù phải đối mặt với mọi khó khăn.

Một khi có tư tưởng đúng, kiến thức đúng, các hành động đúng - sẽ tác động đến mọi người, mọi giới. Đặc biệt, các doanh nhân trẻ sẽ có được sự ủng hộ và che chở của cộng đồng, sự thấu hiểu và giúp đỡ hiệu quả của Nhà nước.

Và chỉ đến khi đó, khát vọng Đại Việt mới được thực hiện, thành công mới là thực sự và bền vững.

Ngày nay, Việt Nam đang trên đà hội nhập, hợp tác và tranh đua cùng với cả thế giới. Hơn bao giờ hết, đất nước đang rất cần có một đội ngũ doanh nhân mới có bản lĩnh, có kiến thức, hành động chuyên nghiệp và nắm vững “đạo kinh doanh”… 

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo, quê huyện Kim Động (Hưng Yên). Cũng như bao thanh niên Việt Nam được giác ngộ thời kỳ trước cách mạng, ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937, ở Lạng Sơn.

Từ năm 1941 - 1944, ông được Bác Hồ cử đi học Trường Quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc), sau đó trở về nước hoạt động cách mạng, giành chính quyền ở Lạng Sơn.

Từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến khi nghỉ hưu (1995), ông liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong Quân đội: Khu trưởng Chiến khu Ba (1945 - 1948), Tư lệnh Liên khu Bốn (1949 - 1950), Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 (1950 - 1954), Hiệu trưởng Trường Bổ túc Quân chính (1954 - 1955), Hiệu trường Trường Quân sự trung cao (1956 - 1966, sau là Học viện Quân sự), Tư lệnh Mặt trận B3, Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (1967 -  1975), Viện trưởng Học viện Lục quân (1976 -  1977), Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (1977 - 1989, nay là Học viện Quốc phòng), Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự (1990 -  1995).

Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội Quốc gia Việt Nam trong đợt phong hàm đầu tiên. Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1984. Năm 1986, ông được phong Học hàm Giáo sư và năm 1988, ông nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Năm 2005, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam…

Xuân Phong