Đoạn đường này chỉ dài khoảng 2 km. Quanh năm, xuất hiện những hố nước lớn, có độ sâu từ 20 - 40 cm. Trong khi đó, mật độ phương tiện đi qua đây rất đông, nhất là xe tải, khiến bề mặt con đường liên tục bị cày xới, các hố nước ngày càng bị mở rộng ra. Người đi xe máy qua đây rất hay bị té ngã, do đường luôn trong tình trạng trơn trượt, lầy lội.
Nhiều ổ gà, ổ voi xuất hiện trên mặt đường (Ảnh: Phước Nguyên)
Do các hố nước chiếm hết diện tích mặt đường nên người đi xe máy chỉ có thể điều khiển xe chạy trên lề đường, thềm sân nhà của những hộ dân sinh sống dọc theo 2 bên đường.
Các phương tiện bì bõm “qua sông” (Ảnh: Phước Nguyên)
Theo những người dân sinh sống quanh khu vực này, tình trạng ngập úng như vậy, đã tồn tại hơn 10 năm qua. Vì tuyến đường này không có hệ thống thoát nước nên liên tục xảy ra hiện tượng nước dâng cao, ngập tràn vào nhà dân.
Con đường lầy lội quanh năm (Ảnh: Phước Nguyên)
Anh Thuận, ngụ phường An Lạc (quận Bình Tân) cho biết: “Đường không có hệ thống thoát nước. Sau mỗi cơn mưa là lại ngập lênh láng, người đi đường không nhìn thấy ổ gà, ổ voi dưới những vũng nước rộng như ao, đi vào dễ bị ngã xe...”
Chị Thuỷ, có cửa hàng nhỏ trên đoạn đường này, nhưng lại thuộc phường 16 (quận 8) than vãn: Trước kia, đoạn đường này tuy có xuống cấp, có ngập nhưng không đến nỗi như bây giờ. Tình trạng ngập úng, có lúc trở nên trầm trọng, có những bữa nước ngập gần tới 1 m dẫn đến việc buôn bán những năm trở lại đây rất ế ẩm.
Sình lầy nhầy nhụa trên đường dù trời đang nắng (Ảnh: Phước Nguyên)
Cũng theo những người dân sinh sống quanh khu vực này, đoạn đường đang được nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên, không biết tiến độ thi công công trình đến đâu, quá trình giám sát kiểm tra như thế nào? Vì hiếm khi thấy có hoạt động thi công vào ban ngày. Do đó, họ chỉ hy vọng công trình sẽ nhanh chóng được hoàn thành để việc đi lại, kinh doanh buôn bán khu vực được thuận tiện hơn.
Phước Nguyên