Phá nhiều vụ án lừa đảo qua mạng
Thượng úy Nguyễn Duy Hoàng, cán bộ Phòng PA05 (Công an tỉnh) cho biết, do tội phạm sử dụng công nghệ cao thường ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thậm chí cả nước ngoài nên tham gia mỗi chuyên án, cán bộ của phòng phải xa gia đình vài ngày, thậm chí cả tuần.
“Trong chuyên án đấu tranh với một số đối tượng lừa đảo ở tỉnh Thái Bình gần đây, chúng tôi phải đi lại hơn 10 lần để nắm bắt thông tin về đối tượng”, Thượng úy Hoàng chia sẻ.
Ngày 4/4 vừa qua, Phòng PA05 phối hợp Công an huyện Lục Nam và một số đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của 4 đối tượng ở xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình gồm: Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1997) cùng chồng là Nguyễn Hữu Dũng (SN 1994); Bùi Ngọc Sơn (SN 1998) và Bùi Yến Vi (SN 2003). Đây là nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với hình thức mới, phương thức thủ đoạn tinh vi.
Các đối tượng thuê nhân viên, chuẩn bị sẵn kịch bản lừa đảo, sử dụng các ứng dụng công nghệ dàn dựng video hướng dẫn và dùng các tài khoản ngân hàng để chạy dịch vụ quảng cáo của Facebook nhằm tiếp cận số lượng người theo dõi lớn. Chúng rao bán các thiết bị công nghệ có tính năng theo dõi tin nhắn Zalo, Messenger, định vị, giám sát, theo dõi số điện thoại của người khác… nhưng thực tế các thiết bị không có tính năng như vậy.
Các đối tượng không giao dịch trực tiếp, lợi dụng hình thức ship C.O.D (nhận hàng, kiểm tra, thanh toán)… thông qua các đơn vị vận chuyển để hoạt động. Khi người mua nhận hàng, nhóm này đưa ra lý do yêu cầu người mua thanh toán ngay và chặn liên lạc để chiếm đoạt tiền của bị hại. Bước đầu xác định, các đối tượng đã bán hơn 5 nghìn đơn hàng, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 26/12/2023, Phòng PA05 phối hợp với Công an huyện Sơn Động phá chuyên án, bắt giữ Hà Văn Ý (SN 2002) trú tại xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang (Hải Dương) là đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình đấu tranh, Ý khai nhận đã sử dụng tài khoản Facebook giả danh là đại lý phân phối, bán sỉ số lượng lớn các loại sữa nổi tiếng với giá ưu đãi. Sau khi khách hàng liên lạc, đặt cọc tiền để mua sữa, đối tượng không giao hàng, chặn số liên lạc, chiếm đoạt tiền cọc. Bằng thủ đoạn này, Ý đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên cả nước với số tiền bước đầu xác định khoảng 200 triệu đồng.
Làm hết việc không hết giờ, truy vết đến cùng
Thiếu tá Chu Văn Hiệu, Phó trưởng Phòng PA05 cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của một số người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tình trạng mua bán, lộ lọt dữ liệu cá nhân diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Ngoài những thủ đoạn lừa đảo phổ biến, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện thủ đoạn mới, đó là đối tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để phát tán tin nhắn “rác” hoặc sử dụng thiết bị đa sim gọi điện thoại giả danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi đấu tranh với những loại tội phạm trên, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, bởi liên quan đến nhiều địa bàn, cơ quan, đơn vị, các nhà cung cấp dịch vụ; kẻ gian thường hoạt động ở các tỉnh giáp biên giới, thậm chí là ở nước ngoài. Đặc biệt, các đối tượng này có kiến thức về công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, đa dạng với nhiều kịch bản mới nên người dân khó nhận biết.
Chúng sử dụng các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ trong quá trình liên lạc, xóa dấu vết như: Voice IP, Deepfake, Deepvoice AI, Fake IP để phục vụ hoạt động phạm tội. “Các đối tượng lừa đảo này là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm “vô hình”, hoạt động không có thời gian, không gian cố định. Đối tượng và bị hại không tiếp xúc trực tiếp, không có mối quan hệ ở ngoài đời thực nên rất khó khoanh vùng truy vết như các loại tội phạm khác”, Thiếu tá Hiệu cho biết thêm.
Nhằm khắc phục khó khăn, với quyết tâm truy bắt tội phạm, lực lượng Công an tỉnh, nòng cốt là Phòng PA05 đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, với phương châm “làm hết việc, không hết giờ”, kiên quyết làm rõ, truy vết đến cùng tìm đối tượng để xử lý trước pháp luật, mang lại bình yên cho nhân dân.
Những vụ việc khó, phức tạp, các đồng chí lãnh đạo phòng hoặc đội trưởng đều xung phong đảm nhận, tạo ra các mũi xung kích, bóc gỡ “mắt xích” quan trọng nhất. Đơn vị thường xuyên rà soát, nắm tình hình trên không gian mạng để kịp thời nhận diện những dấu hiệu mất an toàn an ninh mạng, các đầu mối, đường dây tội phạm công nghệ cao; cử trinh sát nắm rõ mọi di biến động của đối tượng nghi vấn, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh, từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã khởi tố 27 vụ, 150 bị can phạm tội liên quan đến sử dụng công nghệ cao, với tổng số tiền vi phạm hơn 3 nghìn tỷ đồng.
Trong kết quả này có vai trò quan trọng của Phòng PA05. Các cán bộ, chiến sĩ công an đã phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn ngăn chặn hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng; phối hợp xây dựng, đăng tải nhiều bản tin, clip tuyên truyền cảnh báo về các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo.
Lực lượng công an đã giăng những "mắt thần" trên không gian mạng, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới. Phòng PA05 đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm tuyên truyền, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáo mọi người tuyệt đối không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân cho người không quen biết; khi có nghi ngờ, kịp thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng PA05 để phối hợp đấu tranh, xử lý.
Bá Đoàn