Sáng 20/11 vừa qua, Bộ Y tế đã khánh thành Cổng công khai giá thuốc, thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn). Đây là lần đầu tiên giá bán trang thiết bị, vật tư y tế công khai trên Internet. Tính tới ngày 20/11 đã có trên 17.000 mặt hàng là các trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế được công bố giá, đạt khoảng 70% tổng số mặt hàng thuộc lĩnh vực này đang lưu hành tại thị trường Việt Nam. Tại Cổng Công khai Y tế, giá mỗi mặt hàng cũng đi kèm theo tính năng, cấu hình thiết bị, chế độ hậu mãi, bảo hành và đào tạo kèm theo. Các đơn vị cung cấp thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế được nhà sản xuất ủy quyền sẽ được cấp tài khoản để cung cấp thông tin về giá và thời gian giữ mức giá này, trong khi người dân, bệnh viện, cơ sở y tế... có thể vào khảo sát và tham khảo giá tự do.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, khẳng định “Cổng Công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… Thông qua Cổng Công khai Y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Cổng Công khai Y tế được khai trương mới là bước khởi đầu, sau đó các thông tin về những lĩnh vực do Bộ Y tế quản lý sẽ từng bước được công khai hóa để người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu trên Internet ở mọi nơi, mọi lúc.
Với việc công khai tất tần tật từ giá thuốc bán buôn, giá thuốc trúng thầu, cho đến giá trang thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh...., Bộ Y tế đã “bật mí” những thông tin lâu nay vẫn được giữ kín, bất chấp mối quan tâm của người dân và doanh nghiệp. Trước đây giá trang thiết bị y tế đều "ai mua nấy biết". Vì vậy mới có chuyện robot y tế được nhập về với giá khoảng 7,4 tỉ đồng, nhưng đã bị doanh nghiệp nâng khống lên 39 tỉ đồng rồi đưa vào hợp đồng liên danh liên kết với bệnh viện. Từ mức giá đó, bệnh viện đã thu phí khấu hao máy của bệnh nhân lên tới 23 triệu đồng/ca, trong khi chi phí thực chỉ khoảng 4 triệu đồng/ca. Các đối tượng đã chiếm đoạt, hưởng lợi hơn 10 tỉ đồng từ tiền của người bệnh. Chưa hết, một robot y tế khác chỉ có giá 23 tỉ đồng nhưng đã bị “thổi” lên 44 tỉ đồng, khiến người bệnh phải chịu mức phí khấu hao máy trên trời.
“Thổi giá” thiết bị y tế đã trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm sau khi cơ quan chức năng phát hiện vụ nâng khống giá máy xét nghiệm bệnh COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội vào tháng 3 năm nay. Theo cáo trạng, cơ quan điều tra Bộ Công an kết luận ông Nguyễn Nhật Cảm – nguyên giám đốc CDC Hà Nội - đã chủ mưu thông đồng cùng nhiều người khác nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại cho ngân sách 5,4 tỉ đồng.
Những vụ việc nói trên đã đưa ra ánh sáng một “khoảng tối” tồn tại lâu nay trong các bệnh viện, cơ sở y tế. Dựa trên chủ trương xã hội hoá, bệnh viện đã cho doanh nghiệp vào đặt máy, sau đó ăn chia theo tỷ lệ. Tuy nhiên khi thực hiện lại không có sự giám sát, đối chiếu, tạo ra lỗ hổng để những đối tượng cơ hội “phù phép”, “thổi giá”, trục lợi.
Dư luận lúc này kỳ vọng việc công khai giá thiết bị, dịch vụ y tế sẽ là biện pháp lấp các lỗ hổng thiếu minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người bệnh cũng như khôi phục niềm tin của nhân dân vào ngành y. Theo khẳng định của ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), thì "minh bạch thông tin sẽ kéo giá thiết bị và vật tư y tế về giá trị thực". Ngoài ra, khi tất cả các mặt hàng được đăng tải giá, tính năng, cấu hình... một cách công khai, người dân, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thực hiện quyền giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc khuất tất hay bất cập, để từ đó các cơ quan quản lý có thể vào cuộc xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Chủ trương tự chủ bệnh viện công, xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị y tế là cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tuy nhiên quá trình thực hiện luôn cần cơ chế giám sát, công khai minh bạch, nhằm đảm bảo trách nhiệm xã hội và tính nhân văn của ngành y tế.
Thu Hằng