Đến giai đoạn 1990- 1995, cùng với sự đổi mới của Đất nước, Nhựa Tiền Phong đã sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chuyển mình mạnh mẽ từ sản xuất giày dép, đồ gia dụng bằng nhựa… sang sản xuất ống nhựa đánh dấu sự phát triển mới của Nhựa Tiền Phong. Đặc biệt, năm 2005 từ việc tiến hành cổ phần hóa với cơ chế quản lý mới, tạo ra sự năng động trong sản xuất và điều hành, Nhựa Tiền Phong đã có sự đột phá mạnh mẽ, tăng trưởng nhanh trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm ống nhựa và phụ tùng nhựa trong nước và khu vực.
Những thiết bị tiên tiến của các nước G7 đang được chuyên gia hướng dẫn đưa vào sản xuất. (Ảnh: Nhựa Tiền Phong)
Chủ động hội nhập khu vực và quốc tế
Năm 1995 là năm thứ sáu Nhựa Tiền phong cùng các doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở vào độ tuổi 35, Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty với những thử thách, khó khăn to lớn tưởng chừng như không thể vượt qua. Cơ chế thị trường tạo ra sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các doanh nghiệp về giá cả và chất lượng. Lãnh đạo công ty đã chủ động nắm bắt thời cơ thuận lợi từ đường lối đối ngoại, với phương hướng, mục tiêu trước mắt là tập trung đầu tư sản xuất các mặt hàng ống cứng PVC, ống mềm PEHD…phục vụ các ngành xây dựng, bưu điện và dân dụng.
Ông Đoàn Đình Thành, nguyên công nhân lành nghề công tác tại phân xưởng cơ điện của Nhà máy và sau này là công ty Nhựa Thiếu niên Tiền phong cho biết: Việc sản xuất nhiều cỡ ống, có phụ tùng và keo dán kèm theo mang tính đồng bộ, các loại máng luồn dây điện có kích cỡ khác nhau phù hợp với nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này đã giúp công ty tăng doanh thu, kích thích sản xuất. Chất lượng sản phẩm đã tạo ra lợi thế cạnh tranh, đảm bảo cho công ty trụ vững và phát triển.
Trong 3 năm 1995-1997 công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định và mở ra thời kỳ phát triển mới. Có được thành quả này là do đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty đã xác định được đúng đắn phương hướng sản xuất kinh doanh cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường, phát triển theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; sản xuất được các sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường, giữ vững và mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện Lãnh đạo Công ty nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới do Nhà nước trao tặng. (Ảnh: Nhựa Tiền Phong)
Có thể nói giai đoạn 1995-2000 là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử phát triển của Nhựa Tiền Phong. Với tinh thần năng động, sáng tạo, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên công ty đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ổn định và tạo thế, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Uy tín của Công ty với khách hàng trong và ngoài nước được khẳng định và nâng cao.
Nhìn lại chặng đường 10 năm với chiến lược phát triển sản xuất- kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhựa Tiền phong đã có bước phát triển mới mang tính đột phá, rất đáng tự hào.
Bước sang giai đoạn 2005- 2010, công ty thực hiện cổ phần hóa và phát triển doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhựa Tiền Phong tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn và thách thức. Từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, sự suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu đã trực tiếp tác động mạnh mẽ vào quá trình sản xuất và kinh doanh của công ty. Nhưng sản xuất hàng hóa của công ty không vì thế mà “dậm chân tại chỗ” mà ngày càng tăng trưởng mạnh. Năm 2005 là năm đầu tiên thực hiện cổ phần hóa, công ty sản xuất 26.000 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 610 tỷ đồng so với năm 2004 đã tăng 90 tỷ đồng. Đây là mốc son mới, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của công ty. Sự tăng trưởng mang tính bước ngoặt khẳng định công tác chuẩn bị những điều kiện cần, đủ và sự thận trọng trong chuyển đổi doanh nghiệp.
Sau 5 năm chuyển đổi doanh nghiệp sang hình thức cổ phần hóa, công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu “Nhựa Tiền Phong” thêm một lần nữa ghi dấu ấn vào thị trường trong nước và từng bước vươn ra khu vực trong xu thế hội nhập.
Đầu tư cho công nghệ, con người và mở rộng quy mô sản xuất
Dây chuyền sản xuất hiện đại luôn được công ty chú trọng đầu tư (Ảnh: Nhựa Tiền Phong)
Ông Nguyễn Hữu Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ: Sau 5 năm cổ phần hóa, công ty đã có những bước tiến dài về quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế, tiếp tục khẳng định thương hiệu Nhựa Tiền Phong trên thị trường trong nước và khu vực. Giai đoạn 2010- 2015 tiếp theo, Nhựa Tiền Phong tiếp tục đạt được những thành tựu vượt trội. Sự phát triển toàn diện của công ty không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn hàm chứa sâu sắc giá trị về sự năng động, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Ban Lãnh đạo công ty khi có những quyết định đầu tư đúng hướng, phù hợp trong lộ trình phát triển của doanh nghiệp.
Nhựa Tiền Phong luôn dành nguồn lực lớn đầu tư để đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Năm 2010, công ty đầu tư 141 tỷ đồng; năm 2011 là 237 tỷ đồng; năm 2012 đầu tư 253 tỷ đồng và năm 2014 tiếp tục đầu tư 252 tỷ đồng. Vì vậy hệ thống thiết bị, công nghệ của công ty đến nay rất hiện đại, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý và sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được công ty duy trì thường xuyên.
Với tầm nhìn chiến lược, đầu tư trọng điểm và đổi mới phương pháp quản lý, lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đã phát huy được sức lực, trí tuệ và tinh thần quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty. Do đó, trong 5 năm 2010-2015, kết quả sản xuất kinh doanh của Nhựa Tiền Phong liên tục tăng trưởng và tăng trưởng bền vững, năm sau cao hơn năm trước càng khẳng định chất lượng sản phẩm của công ty được khách hàng tin dùng.
Cùng với sự ổn định và phát triển của công ty, đời sống người lao động Nhựa Tiền Phong luôn được chăm lo và nâng cao. 100% cán bộ công nhân viên trong công ty đều có việc làm ổn định, tiền lương và thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Có thể khẳng định giai đoạn 2010-2015 là một bước tiến mạnh mẽ, khẳng định được tầm vóc và thương hiệu “Nhựa Tiền phong” trên tất cả các lĩnh vực, từ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp hạ tầng và quy mô sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước.
Trong suốt hành trình 55 năm vừa sản xuất, vừa xây dựng và bảo vệ doanh nghiệp, sau đó là vượt qua khó khăn để bứt phá và phát triển mạnh mẽ, bài học thành công của Nhựa Tiền Phong chính là tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi thử thách, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm; kiên trì với định hướng đổi mới, đầu tư cho khoa học, công nghệ, xây dựng và phát triển đội ngũ nắm vững chuyên môn, trưởng thành về chính trị. Những kết quả đó đã đóng góp cho sự đổi mới và tăng trưởng mạnh mẽ của Nhựa Tiền Phong, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trong những giai đoạn tiếp theo./.
Vũ Duyên