Vững vàng thương hiệu Việt
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho đất nước chuyển sang thời kỳ hòa bình, thống nhất, độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng như các cơ sở sản xuất công nghiệp khác. Nhà máy Nhựa Tiền Phong là cơ sở đầu tiên cả ngành Nhựa miền bắc xã hội chủ nghĩa giữ vai trò nòng cốt của ngành gia công chất dẻo cả nước.
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà máy đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì (Ảnh: Nhựa Tiền Phong)
Từ năm 1977, các thế lực thù địch tìm mọi cách bao vây, phong tỏa nhất là về kinh tế, nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất trong nước vì thế ngày càng giảm sút. Nhà máy Nhựa Tiền Phong chỉ được cấp 50% nhu cầu vật tư, 75% nhu cầu về điện, lại thêm khó khăn do mặt bằng sản xuất chật hẹp, máy móc già cỗi, phụ tùng thay thế thiếu thốn… Song, lãnh đạo Nhà máy luôn động viên cán bộ, công nhân khắc phục khó khăn, giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo các chỉ tiêu sản phẩm Nhà nước giao. Do vậy, tốc độ phát triển sản xuất hàng năm từ 1977- 1979 đều tăng. Đặc biệt trong năm 1979, Nhà máy giành thắng lợi toàn diện trên mọi mặt từ giá trị tổng sản lượng, chỉ tiêu các sản phẩm chủ yếu, đảm bảo lao động, tiền lương, giá thành sản phẩm, nộp ngân sách Nhà nước, nghiên cứu khoa học kỹ thuật…Trong hai năm 1981-1982, Nhà máy phát động phong trào thi đua sôi nổi học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề với 50 kỹ sư, 60 cán bộ trung cấp… Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng với lực lượng lao động lành nghề đông đảo nên tốc độ sản xuất luôn được giữ vững và đẩy mạnh.
Nói về thời kỳ gian khó đó, ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ tịch Hội hưu Nhựa Tiền Phong chia sẻ: ‘’Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 1983, nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong đứng trước khó khăn đó là vật tư cung cấp sản xuất chỉ được nhà nước đảm bảo cho ba mặt hàng là dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em và khuy áo nhựa, số lượng công việc chỉ đủ cho một nửa số công nhân của Nhà máy, còn một nửa số công nhân sẽ làm gì để đảm bảo đời sống là bài toán hóc búa được đặt ra. Trong khi khó khăn lớn nhất là thiếu nguyên liệu, công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp. Đứng trước khó khăn đó, lãnh đạo Nhà máy đổi mới mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng túi móc, mũ sợi nhựa, phụ tùng dệt, duy trì và mở rộng quan hệ liên doanh liên kết kinh tế với các đơn vị, địa phương để có đủ vật tư sản xuất đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động’’. Nhờ sức mạnh đoàn kết, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo, cán bộ và công nhân đã giúp Nhà máy vượt qua giai đoạn khó khăn, đời sống của cán bộ, công nhân viên Nhà máy được nâng cao rõ rệt so với công nhân viên các ngành công nghiệp khác trên địa bàn Hải phòng.
Từng bước phát triển trong cơ chế mới
Bước sang giai đoạn 1985-1986, đợt tổng điều chỉnh giá và đổi tiền đã ảnh hưởng sâu sức tới đời sống của nhân dân. Đồng tiền mất giá, giá cả tăng vọt. Nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, lĩnh vực lưu thông phân phối lâm vào tình trạng hết sức rối ren, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người lao động.
Năm 1986, lãnh đạo Nhà máy xác định đây là năm mở đầu kế hoạch 5 năm (1986-1990), đồng thời cũng là năm tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, bước đầu có những chuyển biến mới về thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Nhận thức đầy đủ diễn biến phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội, giá cả thị trường tiếp tục có những biến động, để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lãnh đạo Nhà máy đã quán triệt sâu sức quan điểm của Đảng tới cán bộ, đảng viên, công nhân viên, phát động tinh thần tự chủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật, lao động có kỷ luật, năng suất cao. Cụ thể, ban Giám đốc xác định rõ bước đổi mới của Nhà máy là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, sắp xếp lại tổ chức quản lý sản xuất, cải tiến công tác tổ chức, cán bộ nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên chức. Với những nhiệm vụ cụ thể được Ban giám đốc nhà máy đặt ra trong bối cảnh đất nước, thành phố có nhiều khó khăn gay gắt mới thấy được sự đổi mới trong tư duy để thúc đẩy Nhà máy vươn lên.
Hình ảnh dây chuyền sản xuất Sibaura đầu tiên của Nhựa Tiền Phong (Ảnh: Nhựa Tiền Phong)
Giai đoạn 1986-1990, với mục tiêu “Xây dựng Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trở thành trung tâm nghiên cứu và sản xuất các loại sản phẩm nhựa xuất khẩu và tiêu dùng của miền Bắc”. Thực hiện mục tiêu đó, 6 tháng đầu năm 1986 đã sản xuất kinh doanh đạt từ 50-60% kế hoạch sản xuất. Phong trào sản xuất có khí thế mới tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.
Chia sẻ về thời kỳ này, cô Trịnh Thị Khởi - Nguyên Cán bộ kỹ thuật công ty cho biết: ‘’Lường trước những khó khăn gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra, lãnh đạo Nhà máy đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng ống nhựa, giầy thể thao, dép nhựa với kiểu dáng mơi hấp dẫn, đảm bảo chất lượng, sản phẩm của Nhà máy bán trên thị trường được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng trong cơ chế mới của Nhà máy. Đó là tín hiệu vui đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, đồng thời là đông lực thúc đẩy sự phấn đấu liên tục, bền bỉ của tập thể lãnh đạo và người lao động như chúng tôi thời kỳ đó. Điều này góp phần phát triển Nhà máy và kiện toàn về công tác sắp xếp lao động theo dây chuyền sản xuất mới’’.
Nhờ có sự nhạy bén trong việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, năm 1991, sản lượng ống và phụ tùng đã được tặng lượng tiêu thụ gấp 3 lần năm 1990 và đạt 600 tấn ống và phụ tùng.
Trên đà phát triển, ngày 14/11/1992, Bộ trưởng bộ công nghiệp nhẹ ra quyết định lịch sử đó là đổi tên Nhà máy thành Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và đến ngày 29/4/1993, Bộ trưởng lại tiếp tục ra quyết định cho phép công ty trở thành doanh nghiệp Nhà nước được phép kinh doanh, sản xuất các sản phẩm từ chất dẻo. Với hình thức mới, Ban lãnh đạo công ty đã chủ trương tập trung vào sản xuất ống và phụ tùng nhựa từ phi 16 - 300 cũng như đầu tư mua sắm trang thiết bị mới và mở hơn 200 đại lý từ Lạng Sơn tới Huế. Điều đó đã tạo bước tiến vượt bậc cho công ty khi sản lượng ống tăng vọt lên 2.000 tấn.
Bước sang thời kỳ 1994-1995, các sản phẩm của Nhựa Tiền Phong đã xuất hiện sâu rộng tại thị trường và các mặt hàng mới như ống mềm HDPE, phụ tùng, kéo dán, các loại máng luồn dây điện đã lần lượt ra đời, mang lại uy tín và mở rộng thị trường cho nhựa Tiền Phong.
Có thể nói, giai đoạn 1976-1995 Nhựa Thiếu niên Tiền Phong liên tục gặp những khó khăn, thách thức, đầy gian nan vất vả nhưng tập thể lãnh đạo và CBCNV Nhà máy đoàn kết đồng lòng phát huy dân chủ, tìm ra những biện pháp hiệu quả, vượt khó khăn, đưa sản xuất Nhà máy phát triển, đảm bảo từng bước ổn định, nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên. Sức lực, trí tuệ và những thành quả đạt được trong giai đoạn này cũng chính là điểm tựa, đà chạy cho sức bật cao hơn, xa hơn vào những năm tiếp theo.
Vũ Duyên