Công ty Đại Việt “núp bóng” nạo vét hồ Núi Cốc để khai thác khoáng sản? - Hình 1

"Đại công trường" dự án nạo vét của công ty Đại Việt nhộn nhịp hoạt động bán cát, sỏi

Nạo vét hay khai thác?

Hồ Núi Cốc có trữ lượng cát sỏi lớn, đầu những năm 2010, người dân ở gần hồ đổ xô mua tàu hút để khai thác trái phép. Lúc cao điểm, khu vực lòng hồ Núi Cốc có trên 160 tàu hút cát các loại… Nhiều hộ dân thuộc các xã Tân Thái, Lục Ba, Bình Thuận, Vạn Thọ… của huyện Đại Từ (Thái Nguyên) giàu lên nhanh chóng nhờ việc khai thác cát sỏi trái phép.

Để ngăn chặn hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép.

Công tác chỉ đạo đã có hiệu quả nhất định, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép ở hồ Núi Cốc đã tạm lắng xuống; “kho báu” dưới đáy hồ đã được bảo vệ, tài nguyên thiên nhiên sẽ không bị thất thoát vào tay “cát tặc”.

Tháng 8/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc tận thu sản phẩm, với tổng diện tích 1.452,33 ha, trữ lượng hơn 11 triệu m3, thời gian thực hiện 15 năm.

Thoạt đầu, khi nghe thuyết minh về dự án, nhân dân trong tỉnh thấy có vẻ hợp lý vì việc nạo vét lòng hồ có mục tiêu nạo vét bùn cát, khơi thông luồng lạch, tăng khả năng trữ nước cho hồ, phát triển kinh tế, du lịch, ngăn chặn nạn cát tặc…

Tuy nhiên, thực tế, công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét hồ Núi Cốc như một đại công trường khai thác khoáng sản. Nhân dân quanh khu vực lòng hồ Núi Cốc đã phản đối gay gắt hoạt động “nạo vét” của công ty Đại Việt.

Công ty Đại Việt “núp bóng” nạo vét hồ Núi Cốc để khai thác khoáng sản? - Hình 2

Người dân xóm Bẫu Châu dựng lều bạt, túc trực ngày đêm phản đối hoạt động "nạo vét" của công ty Đại Việt

Đỉnh điểm, vào những ngày tháng 6/2017, người dân xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba đã dựng lều bạt, thay nhau túc trực ngày đêm, ngăn cản hoạt động nạo vét của công ty Đại Việt.

Bà Nguyễn Thị Sáng (xóm Bẫu Châu) cho biết: Công ty Đại Việt về đây “khai thác” cát sỏi rầm rộ trên bãi soi của người dân chúng tôi suốt ngày đêm làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất rất lớn.

Theo bà Dương Thị Lục (xóm Bẫu Châu): Chúng tôi không hiểu sao cơ quan thẩm quyền lại cấp phép nạo vét Hồ Núi Cốc bởi người dân thấy rất rõ, công ty Đại Việt hàng ngày dùng tàu cuốc để khai thác cát sỏi, chất cao như núi, bán ra thị trường thu lợi nhuận lớn. Còn nạo vét, người dân chưa bao giờ nhìn thấy 1m3 đất bùn thải được công ty Đại Việt đưa lên từ khu vực lòng hồ…

Công ty Đại Việt “núp bóng” nạo vét hồ Núi Cốc để khai thác khoáng sản? - Hình 3

Công ty Đại Việt được cấp phép nạo vét vào diện tích bãi soi - nơi người dân trồng trọt bao đời nay. Tuy nhiên, người dân không được công ty hỗ trợ kinh phí, gây bức xúc kéo dài

Thêm bằng chứng cho việc công ty Đại Việt đang thực hiện “khai thác” cát sỏi lòng hồ Núi Cốc: Số liệu khảo sát địa hình,địa chất dự án nạo vét cho thấy khối lượng nạo vét trong 15 năm trên 11 triệu m3. Trong đó, có hơn 9,4 triệu m3 là cát, sỏi;  bùn các loại chỉ có hơn 1 triệu m3; phương tiện thực hiện dự án nạo vét chủ yếu là tàu cuốc…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Chính, Phó giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên cho biết: Đây là dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc kết hợp tận thu sản phẩm. Hàng tháng, cơ quan quản lý dựa trên kê khai và nộp thuế tài nguyên, phí môi trường của công ty Đại Việt để nắm bắt tình hình thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Cái khó dự án nạo vét này là thực tế cơ quan quản lý khó giám sát, kiểm soát được việc doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét với khối lượng chính xác các sản phẩm là bao nhiêu, có kê khai, nộp thuế tài nguyên nạo vét đúng với trữ lượng thu được hay không?

“Một vốn... tám lời”

Được biết, tổng mức đầu tư của DA hơn 101 tỉ đồng trong khi nguồn lợi thu được từ việc bán cát sỏi lên tới gần 900 tỉ đồng. Như vậy, thực hiện dự án, công ty Đại Việt sẽ có lợi nhuận gần 800 tỉ đồng. Đây quả là một món lợi khổng lồ! Có thể nói, thực hiện dự án này, Công ty Đại Việt đã nhận được quá nhiều sự ưu ái của tỉnh Thái Nguyên, trong khi đó, số tiền Công ty Đại Việt sẽ đóng góp vào ngân sách tỉnh Thái Nguyên lại chưa đến 19 tỉ đồng.

Lý giải về việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho rằng, do kinh phí nạo vét lên tới hơn 100 tỉ đồng, tỉnh không bố trí được tài chính nên giao công ty Đại Việt thực hiện. Khi thực hiện, doanh nghiệp vừa nạo vét, vừa tận thu khoáng sản dưới lòng hồ để lấy tiền bù đắp chi phí đầu tư.

Phải khẳng định chủ trương nạo vét lòng hồ Hồ Núi Cốc là đúng và hết sức cần thiết; tuy nhiên cách thức triển khai khiến dư luận băn khoăn và cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cấp phép thực hiện dự án nạo vét về bản chất là cấp phép khai thác hợp pháp mỏ khoáng sản dưới lòng Hồ Núi Cốc cho công ty Đại Việt?

Công ty Đại Việt “núp bóng” nạo vét hồ Núi Cốc để khai thác khoáng sản? - Hình 4

Công ty Đại Việt thực hiện dự án nạo vét, các loại bùn thải chưa thấy nhưng cát, sỏi tận thu được chất cao như núi

Ông Nguyễn Bá Chính cho biết: Dự án nạo vét Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, vai trò của Sở Tài nguyên trong dự án chỉ là kiểm tra giám sát về đất đai, bồi thường GPMB và những tác động đến môi trường trong quá trình triển khai thực hiện. Việc doanh nghiệp khai thác được bao nhiêu cát, sỏi hay các loại khoáng sản khác Sở TN&MT không quản lý và thuế tài nguyên doanh nghiệp sẽ phải nộp bao nhiêu Sở cũng không nắm rõ.

Thiết nghĩ, tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia; việc khai thác, sử dụng cần phải tuân theo quy định của pháp luật, Luật khoáng sản. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là phải quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay công ty Đại Việt đang có dấu hiệu “núp bóng” việc thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc do UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép, để tiến hành khai thác khoáng sản mà không phải chấp hành những quy định của pháp luật liên quan, không phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành là Sở TN&MT đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Hoan Nguyễn