Ngày 28/11, TAND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị chủ nợ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu lần thứ nhất. Hội nghị có rất nhiều chủ nợ của Công ty vàng Bồng Miêu tham dự nhưng đại diện hợp pháp của công ty vàng này lại không có mặt. Theo kết quả bỏ phiếu biểu quyết với tỉ lệ 80,7% (14/24 chủ nợ), hội nghị chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với công ty trên.
Trụ sở Công ty khai thác vàng Bồng Miêu
Tại hội nghị, Quản tài viên cho doanh nghiệp theo đề cử của tòa án đã báo cáo về tình trạng tài chính, tình hình kinh doanh, doanh sách chủ nợ của công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu tại thời điểm mở thủ tục phá sản.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của công ty là khoảng 302 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là khoảng 1.265 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp này, tính đến ngày 12/11/2017 có 100 chủ nợ với số tiền nợ lên đến 943 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi hết thời hạn gửi giấy đòi nợ, chỉ có 44 chủ nợ không có đảm bảo với số tiền gần 259 tỷ đồng và 1 chủ nợ có đảm bảo với số tiền khoảng 677 tỷ đồng. Trong số chủ nợ không đảm bảo thì công ty này nợ thuế khoảng 108 tỷ. Kết quả kiểm kê định giá tài sản sau khi dừng hoạt động, gồm cơ sở hạ tầng, nhà xưởng kiến trúc đã qua sử dụng, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, hàng tồn kho, phế liệu có khả năng thu hồi là gần 35 tỷ đồng. Trong đó tài sản đảm bảo khoảng 25 tỷ, tài sản không đảm bảo gần tỷ đồng.
Tại hội nghị, ba phương án về số phận của Công ty Bồng Miêu được đưa ra để các chủ nợ quyết định, gồm: một là đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản vì công ty không mất khả năng thanh toán, hai là đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty và cuối cùng là đề nghị tuyên bố phá sản.
Chọn phương án cho Công ty Bồng Miêu phá sản, hàng chục chủ nợ rời hội nghị trong tâm trạng rối bời bởi không còn hy vọng đòi lại nợ.
Được biết, Công ty vàng Bồng Miêu, cùng với Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (cũng thuộc Tập đoàn Bersa) từng bị nghi ngờ làm ăn không minh bạch, bán vàng ra nước ngoài cho công ty mẹ với giá thấp trong khi nhập nguyên vật liệu vào với giá cao, gây thua lỗ trên sổ sách và khiến nhà nước thất thu thuế. Sau khi khai thác, bán xấp xỉ 7 tấn vàng, hai doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”, để lại khoản nợ khổng lồ và nhiều hệ lụy cho người dân và chính quyền địa phương.
Hằng Vương (T/h)