Nhằm xác minh thông tin, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã mục sở thị, tại cửa hàng D&G Kiến An. Cửa hàng có diện tích khoảng 100m2, tại đây bày bán các sản phẩm thời trang nam như: quần, áo, giày, dép, mũ, thắt lưng, túi, ví,… với đa dạng mẫu mã, chủng loại,… mang các thương hiệu quốc tế như: “Dior”, “Louis Vuitton”, “Nike”, Gucci”, “Chanel”,… Các sản phẩm của D&G Kiến An có hình dáng, trang trí, logo,… tương tự như sản phẩm mang thương hiệu quốc tế; chỉ khác là có giá rẻ hơn, không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định, nếu quan sát bằng mắt thường độ sắc nét góc cạnh, chất liệu,…của sản phẩm khác biệt so với sản phẩm chính hãng.
Tại điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và khoản 7 điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, quy định về hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá.
Theo đó, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, sẽ phải chịu mức phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng (đối với cá nhân vi phạm) tuỳ vào từng trường hợp; Đồng thời, cá nhân có hành vi buôn bán hành hoá giả mạo nhãn hàng hoá còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, tại cửa hàng D&G cũng bày bán nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.”
Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.
Trước đó, hồi tháng 3/2023, Đội QLTT số 7 thuộc Cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công An quận Hải An, tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Văn K, địa chỉ: số 385 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng và khám kho chứa hàng, địa chỉ tại Khu Đồng Xá 2, phường Thành Tô quận Hải An, thành phố Hải Phòng cũng do ông K làm chủ. Quá trình kiểm tra và khám kho, phát hiện gần 6000 đôi giày, dép các loại mang các nhãn hiệu “NIKE”, “CONVERSE”, “LOUIS VUTTON”, “ADIDAS”, “CROS”, “PUMA”, “MLB”…có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Hiện nay, việc kinh doanh hàng giả đang tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội; việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả. Hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
Mặc dù, công tác tuyên truyền pháp luật đã được các lực lượng chức năng phổ biến, tuyên truyền thường xuyên đến các tổ chức, cá nhân nhưng vì lợi nhuận nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố tình kinh doanh các sản phẩm giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,….
Trên mặt trận đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng hoá kém chất lượng thì vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là rất quan trọng. Đối với các cá nhân, tổ chức đã được tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết mà vẫn cố tình vi phạm thì cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Quỳnh Nga