Các sản phẩm hàng hóa đã được dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận vào các ngày 29 – 30/10 vừa qua, cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” tại số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, các sản phẩm tại đây đều đã được dán đầy đủ tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định pháp luật.

cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” tại số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Bách)
Cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” tại số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Bách

Chị N.T.H, khách hàng mua sắm tại cửa hàng này cho biết, việc dán đầy đủ tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt cho những sản phẩm nhập khẩu giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, hiểu hơn về tính năng, công dụng của sản phẩm. Ngoài ra, việc này cũng giúp biết ai là đơn vị phân phối sản phẩm, khiến khách hàng yên tâm hơn khi mua cũng như sử dụng sản phẩm.

Nhân viên của cửa hàng đang dán tem, nhãn phụ cho sản phẩm
Nhân viên của cửa hàng đang dán tem, nhãn phụ cho sản phẩm. Ảnh: Hoàng Bách

Đồng quan điểm, anh N.V.V. cho biết: “Tem, nhãn phụ cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm như như thành phần, công dụng, cách sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu rõ ràng giúp người tiêu dùng an tâm, tin tưởng mua hàng. Đặc biệt, những sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm,...

Sản phẩm đã được dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định
Sản phẩm đã được dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định. Ảnh: Hoàng Bách

Trước đó, như thương hiệu và Công luận đã có bài viết: “Cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” kinh doanh hàng hóa không có nhãn phụ theo quy định” . Theo đó, tháng 7/2024, cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” tại số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh bày bán hàng nghìn sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã cũng như kích thước hàng hóa từ: dầu gội đầu, mỹ phẩm, chăm sóc da, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, đồ dùng thiết yếu hàng ngày…cho đến đồ dùng của trẻ em... là hàng nhập khẩu nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Trước đó, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt
Trước đó, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Hoàng Bách

Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy hầu hết các mặt hàng ở đây “chi chít” những dòng chữ bằng tiếng nước ngoài (chữ Trung Quốc - PV)... nên việc xác định nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm cũng như các thông tin về sản phẩm: hướng dẫn sử dụng, thành phần, công dụng bằng tiếng tiếng Việt,… đều không có.

Người tiêu dùng muốn tìm hiểu thông tin về sản phẩm hay cách sử dụng đều phải hỏi nhân viên tại cửa hàng mới có thể nắm rõ. Điều này gây khó khăn và bất tiện cho người tiêu dùng khi có nhu cầu mua hàng sử dụng.

Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm

Liên quan đến việc nhiều cửa hàng “siêu thị đồng giá” bán hàng hóa nhập khẩu nhưng không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, “mập mờ” về nguồn gốc xuất xứ. Ngày 3/10, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 3346/QLTTHCM-KTPHLN, cung cấp thông tin tới Tạp chí Thương hiệu và Công luận.

Cửa hàng bày bán hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa rất đa dạng về chủng loại (Ảnh: Hoàng Bách)
Cửa hàng bày bán hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa rất đa dạng về chủng loại. Ảnh: Hoàng Bách

Theo đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý theo quy định khi phát hiện vi phạm đối với các cửa hàng “siêu thị đồng giá”, ngày 5/9, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 3007/QLTTHCM-TTPC chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện có dấu hiệu vi phạm đối với cửa hàng “siêu thị đồng giá”, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Qua kiểm tra, các Đội Quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thuộc mặt hàng mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Tất cả các hàng hóa là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị tang vật tạm giữ khoảng 130 triệu đồng.

“Các vụ việc sẽ tiếp tục được xác minh, làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” – Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Hoàng Bách