Cụ thể, sau khi Thương hiệu và Công luận đăng tải các bài viết, phản ánh về việc nhiều cửa hàng “siêu thị đồng giá” tại TP. HCM công khai bày bán các sản phẩm hàng hóa không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định, “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ…

Ngày 3/10, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã có văn bản số 3346/QLTTHCM-KTPHLN, cung cấp thông tin tới Tạp chí Thương hiệu và Công luận.

Một phần văn bản số 3346/QLTTHCM-KTPHLN của Cục Quản lý thị trường TP. HCM
Một phần văn bản số 3346/QLTTHCM-KTPHLN của Cục Quản lý thị trường TP. HCM

Theo đó, Cục Quản lý thị trường TP. HCM cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý theo quy định khi phát hiện vi phạm đối với các cửa hàng “siêu thị đồng giá”, ngày 5/9, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã có văn bản số 3007/QLTTHCM-TTPC chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện có dấu hiệu vi phạm đối với cửa hàng “siêu thị đồng giá”, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Qua kiểm tra, các Đội Quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thuộc mặt hàng mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng. Tất cả các hàng hóa là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Tổng giá trị tang vật tạm giữ khoảng 130 triệu đồng.

“Các vụ việc sẽ tiếp tục được xác minh, làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật” – Cục Quản lý thị trường TP. HCM nhấn mạnh.

các Đội Quản lý thị trường đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thuộc mặt hàng mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng
Lực lượng Quản lý thị trường TP. HCM đã phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thuộc mặt hàng mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ gia dụng

Theo khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Trước đó, như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, hàng loạt cửa hàng “siêu thị đồng giá” tại TP. HCM bán hàng không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định, “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ.

Cửa hàng “Siêu thị đồng giá 18k” tại số 527D Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
Cửa hàng “Siêu thị đồng giá 18k” tại số 527D Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP. HCM

Cụ thể, tại cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. HCM; cửa hàng “Siêu thị đồng giá 18k” số 527D Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh; cửa hàng “Đồng giá 18k – chuỗi siêu thị thương hiệu 6 + 9” địa chỉ số 321 – 323 – 325 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. HCM… bày bán hàng nghìn sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã cũng như kích thước hàng hóa từ: dầu gội đầu, mỹ phẩm, chăm sóc da, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, đồ dùng thiết yếu hàng ngày, cho đến đồ dùng của trẻ em... nhưng đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Cửa hàng “Đồng giá 18k – chuỗi siêu thị thương hiệu 6 + 9” tại số 321 – 323 – 325 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh
Cửa hàng “Đồng giá 18k – chuỗi siêu thị thương hiệu 6 + 9” tại số 321 – 323 – 325 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh

Quan sát bằng mắt thường, cũng dễ dàng nhận thấy hầu hết các mặt hàng ở đây “chi chít” những dòng chữ bằng tiếng nước ngoài (chữ Trung Quốc - PV)... nên việc xác định nguồn gốc, xuất xứ, đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm cũng như các thông tin về sản phẩm: hướng dẫn sử dụng, thành phần, công dụng của sản phẩm,… đều rất khó. Người tiêu dùng muốn tìm hiểu thông tin về sản phẩm hay cách sử dụng đều phải hỏi nhân viên tại cửa hàng mới có thể nắm rõ. Điều này đã gây khó khăn và bất tiện cho người tiêu dùng khi có nhu cầu mua hàng.

Những cửa hàng này đều có đặc điểm chung là các sản phẩm được bày bán tại đây đều có chữ Trung Quốc, và chủ là người nước ngoài.

Người tiêu dùng muốn tìm hiểu thông tin về sản phẩm hay cách sử dụng đều phải hỏi nhân viên tại cửa hàng mới có thể nắm rõ
Người tiêu dùng muốn tìm hiểu thông tin về sản phẩm hay cách sử dụng đều phải hỏi nhân viên tại cửa hàng mới có thể nắm rõ

“Ông chủ của em là người Trung Quốc nên tất cả đều là hàng Trung Quốc nội địa, sản phẩm nào cũng đều có một giá duy nhất là 19.000 đồng, do đây là hàng Trung Quốc nên không có tem nhãn bằng Tiếng Việt” – một nhân viên tại cửa hàng MLD “Siêu thị đồng giá 19k” số 255 đường Đỗ Xuân Hợp, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho hay.

Có mặt tại cửa hàng “siêu thị đồng giá 18k”, chị N.T.H (khách hàng) cho biết: “Những sản phẩm ở đây phần lớn là hàng từ Trung Quốc. Chắc là chủ họ xách tay từ bên Trung Quốc về Việt Nam để bán. Hàng thì mẫu mã đẹp thật, còn chất lượng như thế nào thì cũng chả biết?!” chị H. chia sẻ thêm.

Nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ cũng được bày
Nhiều sản phẩm chăm sóc sắc đẹp “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ cũng được bày bán

Theo các chuyên gia cho rằng, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để mua được những sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; khi mua cần có sự tham khảo, khuyến cáo của người thực sự có chuyên môn; mua hàng có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất.

Bên cạnh đó, khách hàng cần kiên quyết tẩy chay các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định; chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi sau khi đưa ra thị trường.

Hoàng Bách