Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia cho biết: "Chương trình chuyển đổi số quốc gia triển khai được 4 năm, chỉ còn hơn 01 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1.
Trong 4 năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản chính sách để hình thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Điển hình như Nghị định số 82 năm 2024 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 73 năm 2019; Chỉ thị số 34 ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương; Quyết định số 1012 ngày 20/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025.
Hội nghị hôm nay là dịp để truyền tải đến các cán bộ lãnh đạo chủ chốt phụ trách công tác chuyển đổi số các địa phương về những chủ trương, định hướng triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số trong thời gian tới. Đồng thời tăng cường trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm và giải đáp các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các địa phương"
Nội dung Hội nghị tập trung làm rõ các nội dung hướng dẫn chuyển đổi số trong năm 2025; việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng chính quyền số; các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; các nhiệm vụ và giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Đặc biệt, Hội nghị tập trung triển khai về các điểm chính sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 82/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đại diện Phòng Chính sách số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia nhấn mạnh: Trong xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của địa phương phải xác định “Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu” để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số ngành, lĩnh vực tại địa phương (khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số…)
Về thực hiện Chính phủ số, các địa phương chú trọng: Nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; Phát triển các nền tảng, ứng dụng, dữ liệu số các ngành, lĩnh vực; Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu, trực tuyến… Triển khai, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trong quản lý, điều hành, hỗ trợ hoạt động của cán bộ công chức…
Trong kinh tế số, xã hội số, tiếp tục phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số doanh nghiệp; Phát triển kinh tế số trong thương mại điện tử; trong văn hóa du lịch; trong nông nghiệp…
“Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia năm 2024, chúng ta phải có 48 nghìn doanh nghiệp chuyển đối số”, đại diện Phòng Chính sách số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia cho biết tại Hội nghị.
Để thực hiện tốt kế hoạch này, các chuyên gia nhấn mạnh đến hạ tầng số phải được quan tâm đầu tư: Phát triển hạ tầng băng rộng (di động, cố địch); Xóa vùng lõm sóng; Phổ cập Internet băng rộng cố định tới hộ gia đình…
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, mang tính tất yếu và quyết định đến sự phát triển mọi mặt của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính.
Trong đó, “Phấn đấu đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng”.
Ông Hiền chia sẻ: "Chuyển đổi số từng bước giúp Bà Rịa – Vũng Tàu thay đổi cách làm việc, phát triển dữ liệu số trong cơ quan nhà nước cũng như các phần mềm ứng dụng và dịch vụ, giúp xử lý công việc nhiều hơn và nhanh chóng hơn; công tác quản lý công việc, quản lý hành chính, quản lý xã hội ngày càng đơn giản, thuận lợi hơn…"
Thanh Huyền