Lực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế
Hoạt động XNK hàng hóa vận chuyển qua địa bàn diễn ra bình thường, hàng hóa XNK được thực hiện chủ yếu qua các cửa khẩu: Hữu nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng.
Hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua khu vực biên giới chủ yếu được thực hiện qua hình thức trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua các đường mòn Gốc Bưởi, gốc Nhãn, ngách Hang Dơi con, Thác Ném và khu vực Đồi Cao.
Một số hàng hóa còn được trà trộn trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu để đưa qua biên giới, vận chuyển trên các xe ô tô 7 chỗ, xe khách 16 chỗ và xe tải 1,4 tấn hoặc xe chuyển phát nhanh về phía sau tiêu thụ.
Tại khu vực biên giới xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) có xuất hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm giống, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, tuy nhiên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với số lượng nhỏ.
Hoạt động gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp đặc biệt là các hoạt động gian lận thương mại trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu từ biên giới vào nội địa.
Trước tình hình đó, trong tháng 7, Cục QLTT tỉnh tăng cường nắm tình địa bàn, tiếp tục thực hiện tuyên truyền pháp luật, văn minh thương mại, tổ chức kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trọng điểm.
Đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua đường vòng, đường tránh, khu vực Ga, cửa khẩu... nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm.
Thường xuyên duy trì kiểm tra, nắm tình hình các địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động vận chuyển hàng lậu; tăng cường công tác chống buôn lậu, phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cửa khẩu; chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý một số vụ việc vận chuyển hàng lậu...
Kết quả, trong tháng, lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra 256, số vụ vi phạm 179. Tổng số tiền thu từ XLVPHC 1.447.266.000 đồng; nộp NSNN gần 940 triệu đồng.
Trong đó, Cục phối hợp các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý 11 vụ việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, XPVPHC 105,5 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 130 triệu đồng; tổng thu gần 235 triệu đồng.
Cục kiểm tra 14 vụ mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), xử phạt gần 40 triệu đồng về hành vi bán LPG chai nhưng không mở sổ theo dõi các loại LPG đã bán cho khách hàng; không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối mà thương nhân chủ sở hữu cửa hàng ký hợp đồng đại lý, không niêm yết giá.
Về lĩnh vực ATTP, Cục tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm sữa, rượu, bia, nước giải khát (trà sữa, sữa chua), qua đó, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở kinh doanh các sản phẩm sữa bột, bột ăn dặm, sữa nước, dầu ăn, bột dinh dưỡng trẻ em, các loại thực phẩm bao gói sẵn sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và các hành vi vi phạm về nhãn, quá hạn sử dụng.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Cục phát hiện kiểm tra, xử lý 14 vụ việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội để kinh doanh hàng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như mỹ phẩm, thực phẩm, dược liệu không rõ nguồn xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, tổng số tiền thu từ XLVPHC gần 200 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 130 triệu đồng.
Nguyễn Kiên