Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, cùng với sự phát triển theo xu thế, người tiêu dùng đã dần dịch chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang mua hàng online thông qua các website thương mại điện tử, mạng xã hội… rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, “mặt trái” của nó là những hành vi gian lận, buôn bán hàng giả, hàng nhái đang ngày càng gia tăng phức tạp, tinh vi hơn.
Để làm rõ hơn và công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhái trên “mặt trận” internet, Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quang Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình.
1. Trong năm vừa qua, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết qua đáng ghi nhận trong công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhái trên “mặt trận internet”, xin ông đánh giá những kết quả nổi bật trong năm vừa qua (2023)?.
Trong năm qua, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tiếp tục duy trì thành tích vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao.
Cụ thể: Trong năm 2023, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 767 vụ; phát hiện và xử lý 523 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, thu khác, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật vi phạm là hơn 12 tỷ đồng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là hơn 5 tỷ đồng.
Bên cạnh hoàn thành vượt chỉ tiêu Tổng cục giao về nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, trong năm qua, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác khác như chủ động phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng trên địa bàn trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; làm tốt công tác của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú…
2. Để đạt được những kết quả như vậy, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã có những Kế hoạch, tham mưu, chỉ đạo cụ thể như thế nào?.
Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận vừa nêu, trong năm vừa qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Ban chỉ đạo 389, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã xây dựng và ban hành kịp thời các Kế hoạch, chương trình, văn bản để chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc triển khai thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các Đội QLTT trực thuộc đã bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường và nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh để tham mưu, đề xuất kiểm tra, xử lý các vụ việc có hiệu quả.
Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của về niêm yết giá hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý trên khâu lưu thông và trên thị trường nội địa.
Ngoài ra, để góp phần vào việc ổn định thị trường, cạnh tranh lành mạnh, nhất là việc lưu thông hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và quyền lợi người người tiêu dùng, trong năm vừa qua, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình và Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Bình đã tổ chức lễ ký kết “Thoả thuận hợp tác trong việc phối hợp kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật” gửi qua đường bưu chính trong nước.
3. Ông nhận định như thế nào về tình hình hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhái đang được tiêu thụ, mua bán trên nền tảng internet trong thời gian qua (giảm/tăng mạnh), thưa ông?
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, đem lại nhiều giá trị và tiện ích cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Nhất là từ sau đại dịch Covid-19 thì người tiêu dùng đã chuyển đổi từ hình thức mua sắm truyền thống dẫn đến hoạt động TMĐT ngày càng trở nên sôi động.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, người tiêu dùng đã dần dịch chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang mua hàng online thông qua các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… và các ứng dụng mua sắm trực truyến như Shopee, Lazada, Tiki… Tuy nhiên, hiện trên địa bàn các website thương mại điện tử được thành lập chưa nhiều, các cơ sở kinh doanh chủ yếu thực hiện bán hàng thông qua các ứng dụng mua sắm trên trên các nền tảng ứng dụng di động và các trang mua bán như Shopee, Lazada… Những mặt hàng được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến rất đa dạng, phong phú, chủ yếu là mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử, sản phẩm thời trang…. với các hình thức thanh toán linh hoạt cho phép người tiêu dùng mua sắm một cách nhanh chóng, tiện lợi. Hoạt động kinh doanh TMĐT ở trên địa bàn đang có xu hướng phát triển rất nhanh chóng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro.
4. Nguyên nhân nào dẫn đến nền tảng internet được coi như mảnh đất màu mỡ cho hoạt động buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, hang nhái?
Hoạt động của TMĐT là việc người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp, không được trực tiếp xem hàng hóa mà chỉ giao tiếp qua môi trường mạng và chủ yếu trên cơ sở niềm tin và cảm tính. Trong khi đó, một số đối tượng khi giới thiệu quảng bá sản phẩm trên trang mạng thì dùng hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà bản thân khách hàng cũng khó phát hiện.
Mặt khác, thì một số người tiêu dùng có kiến thức, kĩ năng phân biệt hàng thật và hàng giả còn hạn chế hoặc một số người dù biết đó là hàng giả nhưng vẫn mua do tâm lý ham rẻ và thích dùng hàng hiệu. Chính vì thế, nhiều đối tượng xấu đã tận dụng tối đa các tiện ích của TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ … hoặc lợi dụng môi trường TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của kinh tế, trật tự an toàn xã hội và đời sống của nhân dân.
5. Dự báo tình hình buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhái đang được tiêu thụ, mua bán trên nền tảng internet trong thời gian tới như thế nào?.
Thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhất là các mặt hàng mang lại lợi nhuận cao như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử đã qua sử dụng…
Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phát triển mạnh khiến nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Thương hiệu & Công luận. Nhân dịp Tết đến Xuân về, xin kính chúc ông cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc! Chúc ông tiếp tục giành được nhiều kết quả tốt trong công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, hàng nhái trong năm 2024.
Nhà báo Lê Quyết thực hiện