Còn nhiều bất cập trong việc chống chuyển giá
Theo PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, tình trạng chuyển giá ngày càng gia tăng phức tạp, chủ yếu là do những bất cập trong quản lý.
Cụ thể, hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện. Xét ở cấp độ văn bản luật, quy định về chuyển giá và chống chuyển giá chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Hiện mới chỉ có Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dụng làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá. Ngoài ra, các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết mới chỉ dừng ở cấp Nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.
Cũng theo ông Trường, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá. Trong khi đó, một trong những cơ sở quan trọng để xác định có hành vi chuyển giá hay không và áp dụng phương pháp nào để xác định giá chuyển giao trong trường hợp có hành vi chuyển giá là phải có thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các người nộp thuế.
“Nếu không có quyền điều tra (với những thẩm quyền cụ thể như: kiểm tra đột xuất, khám xét, bắt giữ...) thì rất khó khăn trong thu thập thông tin”, ông Trường nói.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, thiết chế pháp lý của Việt Nam còn yếu. Ngoài các lỗ hổng của quy định pháp luật thì năng lực xử lý, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế còn nhẹ, chưa đủ sức ngăn ngừa và răn đe.
“Nhiều DN nợ thuế kéo dài nhưng cơ quan chức năng không xử lý hình sự được. Các vụ kiện về thuế thường đi vào bế tắc, tốn kém nhưng không mang lại kết quả tích cực. Hệ thống tòa án thiếu hữu hiệu, thiếu vắng các cơ chế giải quyết tranh chấp cũng như các tranh cãi về thuế”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn chỉ rõ.
Theo TS. Tuấn, các quy định của Chính phủ được cải cách theo hướng ngày càng thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho DN nhưng nhiều DN làm ăn không chân chính lợi dụng những chính sách thông thoáng đó để trục lợi thuế.
“Những quy định cho phép DN bỏ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra trong việc khai khai và hạch toán doanh thu và chi phí; chính sách hoàn thuế trước, kiểm tra sau cũng thường bị DN lợi dụng để gian lận”, TS. Tuấn nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Quản lý thuế, thời hạn một lần thanh tra thuế không quá 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra thuế. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn thời hạn thanh tra nhưng thời gian gia hạn cũng không quá 30 ngày. Trong khi, thực tế cho thấy, thời gian này sẽ rất khó để cơ quan thuế chuẩn bị đủ các thông tin, dữ liệu, phân tích.
Ngoài ra, việc quy định thanh tra, kiểm tra DN không được phép vượt quá 1 lần/năm theo Chỉ thị số 20/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ mặc dù là cần thiết nhưng đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế chuyển giá vốn có nhiều phức tạp thì quy định cứng như vậy đôi khi cũng tạo ra nhiều khó khăn cho cơ quan thuế.
Theo PGS. Lê Xuân Trường, để xác định một giao dịch chuyển nhượng là tuân theo quy tắc thị trường hay phục vụ mục đích chuyển giá, các cơ quan có liên quan như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương… cần có cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở dữ liệu về giá cả thị trường quốc tế, nguyên liệu, hàng hóa, thành phẩm, máy móc trang thiết bị... làm cơ sở tham chiếu nên việc đấu tranh chống chuyển giá vẫn gặp nhiều khó khăn.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, dữ liệu là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi điều tra giá chuyển nhượng, thường phải sử dụng phương pháp giá so sánh, phải tìm một công ty, một giao dịch tương đồng. Nhưng cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện nay không đủ.
“Chính phủ nên cân nhắc trích một phần nguồn truy thu thuế được phát hiện từ chính các hành vi chuyển giá để bổ sung nguồn kinh phí cho công tác chống chuyển giá. Nguồn tiền này dùng để mua, cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu, đồng thời để trả phí thuê tư vấn, chuyên gia thuế, chuyên gia luật và bổ sung thu nhập cho đội ngũ chuyên trách chống chuyển giá”, TS. Tuấn đề xuất.
Hằng Vương (T/h)