Ưu đãi thuế khônglàmtăngFDI
Các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế lớn đối với các nhà đầu tư. Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế TNDN của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống 21,7% năm 2020.
Đặc biệt, việc một số nước thành viên áp dụng thời gian ân hạn thuế lên tới 20 năm và các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận, mức thuế suất thuế TNDN thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm, khiến ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế TNDN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ThS. Phạm Văn Long, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy ưu đãi thuế làm tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực ASEAN. Thậm chí, ưu đãi thuế đã tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Như tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp đối với các công ty có nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất là 8% trong năm 2016; đối với các doanh nghiệp trong nước ở mức 14,5% và thậm chí hơn 16% đối với các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô vốn lớn.
“Nếu các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục sử dụng ưu đãi thuế như như một công cụ nhằm cạnh tranh thu hút FDI sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng hạn chế của ngân sách và tiếp tục gây ra thâm hụt ngân sách, gây hệ lụy cho khả năng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và quản trị”, ThS. Phạm Văn Long cảnh báo.
Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách chỉ ra rằng, việc cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế đã khiến ASEAN trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi dịch chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, và Malaysia ước tính mất ít nhất từ 6 – 9 điểm phần trăm doanh thu thuế TNDN do hành vi chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.
“Các nước ASEAN đã và đang tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế vĩ mô và có thể khiến tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng bởi cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế. Mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình thông qua các chính sách tài khóa và chưa có cam kết để chống lại cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp”, đại diện VEPR nhấn mạnh.
Cầnxâydựng “danhsáchđen” vềưuđãithuế
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, những ưu đãi thuế này mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn lớn mà bỏ qua phúc lợi của người dân châu Á. Nếu các nước ASEAN thực sự mong muốn vượt qua các thách thức về phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng ngày càng gia tăng, và tỷ lệ nghèo cao, cần chấm dứt cuộc đua ưu đãi thuế nhằm cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
“ASEAN cần đưa ra một danh sách đen về các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng; đồng thời, tạo một ranh giới rõ ràng và nói không với những thực hành thuế có hại đang gây xói mòn ngân sách quốc gia. Nếu cần thiết, chỉ cho phép áp dụng ưu đãi thuế cho các đầu tư mang lại lợi ích cho người dân và không được áp dụng cho một ngoại lệ nào khác”, TS. Thành nêu ý kiến.
Còn theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, các nước khu vực ASEAN cần thiết lập mức thuế suất tối thiểu và nên quanh mức từ 12,5% đến 20%. Bằng cách đó, sẽ củng cố doanh thu thuế tại các quốc gia và ngăn chặn việc các nước thành viên xây dựng các chính sách có lợi cho nước mình nhưng lại có hại cho nước láng giềng.
Bên cạnh đó, các quốc gia nên thống nhất các quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế. Tất cả các ưu đãi thuế và các tiêu chí để được áp dụng nên được quy định trong một đạo luật tại một quốc gia, ví dụ luật thuế, luật doanh nghiệp, hoặc luật đầu tư, tùy vào đặc điểm lịch sử chính sách của từng quốc gia.
Mặt khác, phải đảm bảo rằng, không có một ưu đãi thuế nào được áp dụng riêng lẻ cho một doanh nghiệp nào đó một cách tùy tiện. Trong mọi trường hợp, bất kỳ ưu đãi thuế nào cũng phải có một thời gian áp dụng rõ ràng và ngày kết thúc được quy định trong luật.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Ah-Maftuchan, Điều phối viên Liên minh Thuế và công bằng tài chính châu Á (TAFJA) cho rằng, các quốc gia thành viên ASEAN cần phối hợp loại bỏ các chính sách thuế có lợi cho nước mình nhưng có hại cho nước láng giềng, “Cần chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế gây thất thu ngân sách, khiến cho người dân các quốc gia nghèo hơn thêm khó khăn trong cuộc sống.
Thay vào đó cần hợp tác để xây dựng hệ thống thuế công bằng và bền vững hơn nhằm tạo điều kiện để mỗi quốc gia thành viên thu đủ ngân sách cho phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội”, ông Ah-Maftuchan khuyến nghị.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng thu ngân sách của các chính phủ là rất quan trọng, vì vậy, khu vực ASEAN cần sớm có sự điều chỉnh về chính sách thuế để vượt qua các thách thức như tỉ lệ đói nghèo cao, gia tăng bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu, đặc biệt phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19.
Diệp Diệp (vov.vn)