THCL Dự án được dự kiến đầu tư cả nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, những yêu cầu đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng lại không được thực hiện triệt để, vì thế, chỉ mới khởi công xây dựng được hơn 5 tháng, đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ khi dự án triển khai thi công, nhiều khu vực khi mưa lớn nước không tiêu thoát được
Vẫn chưa hết bàng hoàng…
Hơn 2 tháng trôi qua, kể từ khi xảy vụ tai nạn đuối nước thương tâm tại khu vực công trường thi công thuộc Dự án Khu đô thị Sao Mai (địa phận xã Thọ Dân), cướp đi sinh mạng của 2 em học sinh. Người dân quanh đây vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa.
Theo lời kể, khoảng 15h ngày 28/9, một nhóm 5 em học sinh Trường THCS xã Thọ Dân (Triệu Sơn, Thanh Hóa) rủ nhau đến hố nước san lấp mặt bằng công trình Khu đô thị mới Sao Mai Triệu Sơn để chơi. Thời tiết nắng nóng nên 2 em đã xuống tắm tại 1 hố công trình đang thi công dở.
Do vũng nước quá sâu và có vách thẳng đứng nên 2 em đã bị rơi xuống, ngạt nước. Thấy bạn đuối nước, các em trên bờ đã hô hoán những người gần đó đến cứu. Tuy nhiên, khi 2 em được đưa lên bờ đều đã tử vong do ngạt nước. Nạn nhân được xác định là 2 em nhỏ cùng tên L.N.A, học sinh lớp 6, Trường THCS xã Thọ Dân (Triệu Sơn).
Được biết, cả 2 cháu đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Khu đô thị cao cấp Sao Mai (Triệu Sơn), do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư, trên địa bàn 2 xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân. Dự án cách TP. Thanh Hóa 30 km; tổng diện tích 51,57 ha, được chia làm 2 giai đoạn thực hiện.
Giai đoạn 1, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống viễn thông, công viên cây xanh…; dự kiến hoàn thành vào tháng 04/2017.
Giai đoạn 2, sẽ được triển khai tiếp theo với các công trình hạ tầng xã hội như bệnh viện, chợ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, nhà văn hóa… Trong đó, công trình bệnh viện dự kiến có quy mô 500 giường, tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Công trình chợ, được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,4 ha.
Dự án được khởi công xây dựng ngày 21/04/2016. Tính đến thời điểm xảy vụ tai nạn trên, dự án thi công được hơn 5 tháng. Nguyên nhân chính của vụ việc được cho là thuộc trách nhiệm của đơn vị thi công, vì đã không thực hiện nghiêm túc những yêu cầu đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng. Bởi theo ông Lê Đình Thương, Chủ tịch UBND xã Thọ Dân khẳng định, tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, hố nước sâu thuộc dự án này không hề được cắm biển cảnh báo. Nhân viên bảo vệ công trường giám sát lỏng lẻo.
Thơ ơ, vô trách nhiệm?
Sự thiếu trách nhiệm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, đơn vị thi công dự án án vẫn chưa xem đây là bài học đắt giá. Bởi sau hơn 2 tháng vụ tai nạn thương tâm xảy ra, mới đây, ghi nhận của chúng tôi tại dự án này, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc đảm bảo an toàn trong thi công công trường. Nhiều khu vực vẫn không hề có rào chắn, barie. Ví như, đoạn dự án nằm tiếp giáp với mặt Quốc lộ 47 và đoạn bám sát đường nối vào các xã Xuân Thịnh, Xuân Lộc…
Tại đây, lưu lượng phương tiện qua lại đông, nhiều chỗ đường đã xuống cấp nghiêm trọng nên việc một bên là công trường thi công với nhiều loại xe tải, xe máy xúc, ủi lớn và công nhân…, bên kia là người tham gia giao thông, mà không hề có bất kỳ một biện pháp đảm bảo an toàn nào được triển khai?
Theo quan sát, ban đêm, khu vực này cũng không thấy có đèn báo sáng hay tín hiệu cảnh báo, tạo mối nguy hiểm khôn lường!
Đặc biệt, hiện nay, quanh khu vực thôn 7, xã Thọ Dân, gần với công trường thi công của Dự án Khu đô thị Sao Mai (Triệu Sơn), xuất hiện nhiều vũng nước lớn… Nguyên nhân, theo phản ánh của người dân địa phương, từ khi dự án được triển khai, việc san lấp mặt bằng khiến mỗi khi mưa to nước tại các lô đất này đọng lại, không tiêu thoát được. Chính ông Lê Đình Thương, Chủ tịch UBND xã Thọ Dân cũng cho biết đã nhiều lần xã đề nghị ban quản lý dự án đưa máy ra múc. Các gia đình có con em nhỏ ở gần, lo sợ hiểm họa từ những hố nước mang lại. Họ cũng đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Những vấn đề trên, đáng lẽ phải được quan tâm. Thế nhưng, cả lãnh đạo địa phương và Ban quản lý dự án lại tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm!
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Ba, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Khu đô thị Sao Mai (Triệu Sơn) phân bua: Khi mới triển khai thi công dự án, có căng dây bao quanh công trường, nhưng chỉ được vài ngày là bị lấy cắp. Còn các lô đất đọng nước hiện nay quanh khu vực dự án là do “mực nước không sâu nên khó gây nguy hiểm” (?!).
Chúng tôi liên hệ làm việc với UBND huyện Triệu Sơn, tuy nhiên, cán bộ huyện đã từ chối phối hợp cung cấp thông tin (?). Cụ thể, khi ông Nguyễn Trung Thành, Chánh văn phòng UBND huyện giới thiệu làm việc với Phòng Kinh tế hạ tầng. Nhưng ông Phạm Văn Thường, chuyên viên của phòng này lại trả lời “vấn đề này không thuộc chức năng của phòng” (?!)
Trao đổi lại với ông Thành thì ông này lại bảo “PV chủ động liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường. Trong khi đó, ông Lê Phú Quốc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Phòng chỉ thực hiện công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng. Còn việc thi công là thuộc Phòng Kinh tế hạ tầng (?).
Thiết nghĩ, cả cán bộ Ban quản lý dự án và cán bộ UBND huyện Triệu Sơn đều thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công việc nên mới gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Từ những phản ảnh ở trên, đề nghị các ban, ngành chức năng của huyện Triệu Sơn vào cuộc kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Chương II. Thông tư Số 22/2010/TT-BXD của Bộ Xây Dựng ngày 03/12/2010 ghi rõ. Theo đó, yêu cầu chung đối với công trường xây dựng: 1. Tổng mặt bằng công trường xây dựng phải được thiết kế và phê duyệt theo quy định, phù hợp với địa điểm xây dựng, diện tích mặt bằng công trường, điều kiện khí hậu tự nhiên nơi xây dựng, đảm bảo thuận lợi cho công tác thi công, an toàn cho người, máy và thiết bị trên công trường và khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng. 2. Vật tư, vật liệu phải được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp đúng theo thiết kế tổng mặt bằng được phê duyệt. Không được để các vật tư, vật liệu và các chướng ngại vật cản trở đường giao thông, đường thoát hiểm, lối ra vào chữa cháy. Kho chứa vật liệu dễ cháy, nổ không được bố trí gần nơi thi công và lán trại. Vật liệu thải phải được dọn sạch, đổ đúng nơi quy định. Hệ thống thoát nước phải thường xuyên được thông thoát bảo đảm mặt bằng công trường luôn khô ráo. 3. Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, treo nội quy làm việc. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu… |
Nguyễn Thuấn