Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Hội trường HĐND thành phố...
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Hội trường HĐND thành phố....

Kế hoạch trên được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông báo đến người dân thành phố, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa X, sáng nay 12/8.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh hiện nay ở TP.Đà Nẵng đang diễn biến nhanh và ở mức độ nguy hiểm, khó lường. Trong vòng 31 ngày, từ 10/7 đến 11/8, thành phố đã ghi nhận 1.473 ca dương tính, với 13 người tử vong. Hiện còn 1.069 ca đang điều trị, trong đó 43 ca bệnh nặng nguy cơ tử vong cao.

Trước diễn biến trên, tối qua 11/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã họp và quyết định xây dựng phương án "nếu trong vòng 4 ngày nữa thực hiện các biện pháp như hiện nay mà tình hình dịch bệnh không giảm, TP.Đà Nẵng phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó".

Ông Quảng giải thích, thực hiện triệt để nghĩa là "người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà". Các công sở, công xưởng, nhà máy, công trường muốn hoạt động phải đảm điều kiện cho công chức, người lao động ở lại tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng bảy ngày. Trong thời gian này, ngành y tế tập trung xét nghiệm toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện và đưa các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.

"Đây là biện pháp lãnh đạo thành phố hy vọng không phải áp dụng. Trường hợp áp dụng thì cử tri không nên lo lắng đi thu gom hàng hóa, tránh tập trung đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Quảng nói thêm và yêu cầu cơ quan chức năng lên phương án đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Chính quyền TP.Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 4/5, như cấm tắm biển, dừng các hoạt động tập trung đông người,... nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố hơn 1,1 triệu dân phải cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16", từ 18h ngày 31/7. Người dân đi lại vì mục đích thiết yếu phải có giấy đi đường.

Người dân ra đường ở Đà Nẵng từ ngày 31/7 phải có giấy xác nhận mục đích thiết yếu.
Người dân ra đường ở Đà Nẵng từ ngày 31/7 phải có giấy xác nhận mục đích thiết yếu.
Chốt kiểm tra dịch trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, gần khu đô thị sinh thái Golden Hills.
Chốt kiểm tra dịch trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, gần khu đô thị sinh thái Golden Hills.

Đây là đợt dịch Covid-19 thứ 5 ở TP.Đà Nẵng. Trong đó số ca nhiễm mới trong vòng một tháng qua cao gấp gần 4 lần so với tổng số bệnh nhân ghi nhận trong đợt dịch hồi tháng 7/2020, nơi thành phố là tâm dịch của cả nước. TP.Đà Nẵng đang duy trì xét nghiệm bằng phương pháp mẫu gộp, kết hợp với test nhanh, với tổng số mẫu từ 54.000 - 64.000 mẫu mỗi ngày, qua đó phát hiện bình quân 60 - 80 ca dương tính.

Chuỗi lây nhiễm lớn nhất ở TP.Đà Nẵng hơn 20 ngày qua liên quan đến cảng cá Thọ Quang, đến nay đã có 879 bệnh nhân. Hôm qua, thành phố phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm "nguy cơ rất cao" và đáng lo ngại khi 5 ca của chuỗi lây nhiễm cộng đồng liên quan đến một công ty trong Khu Công nghiệp Hòa Cầm.

Trong bài phát biểu, Bí thư thành ủy Đà Nẵng yêu cầu, cần tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo các quy định của T.Ư và TP, chăm lo đời sống người dân, đảm bảo lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là các khu phong tỏa, cách ly, những đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

“Cử tri và nhân dân thành phố yên tâm, nếu thành phố có thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn như tôi nêu ở trên thì thành phố vẫn đảm bảo được các điều kiện cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cử tri và nhân dân thành phố không phải lo lắng về việc này và không phải đi mua một cách ồ ạt”, ông Quảng nói.

Trong bài phát biểu, đề cập đến công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Quảng bí thư thành ủy  nói, thành phố cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Các cấp chính quyền không được chần chừ, do dự, thiếu cương quyết, phải bám sát thực tiễn của cơ sở…; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "chặt ngoài lỏng trong".

Hoàng Gia Bảo