Giao dịch đất đai tại Phòng công chứng Tâm Tín, TP Đà Nẵng
Dự thảo về quy định quản lý mới được ban hành, công chứng viên tại TP Đà Nẵng nếu không nhập dữ liệu, để xảy ra giao dịch chồng chéo thất thu thuế của Nhà nước, sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chiều 11.1, tại cuộc họp thường kỳ, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất thông qua dự thảo quy chế quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) công chứng trên địa bàn thành phố.
Được biết, CSDL công chứng được triển khai từ hơn một năm nay. Tuy nhiên, với dự thảo quản lý được thông qua này có các điểm mới, quy định chặt chẽ hơn trong việc khai thác, sử dụng hệ thống CSDL.
Trong tháng 1/ 2019, việc giao dịch đất đai trở nên sôi động tại các phòng công chứng TP Đà Nẵng
Đặc biệt, một trong những quy định đáng chú ý là công chứng viên bắt buộc phải cập nhật các thông tin giao dịch đất đai trên hệ thống CSDL chung. Trong trường hợp để xảy ra giao dịch chồng chéo, dẫn đến thiệt hại cho người dân thì công chứng viên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đây, khi mới đưa vào sử dụng, các công chứng viên không bắt buộc phải nhập thông tin giao dịch lên CSDL chung. Điều này đã đưa đến tình trạng một lô đất được bán cho 2 đến 3, thậm chí là rất nhiều chủ. Các văn phòng công chứng cũng không biết được tài sản đó đã được bán hay chưa, đang trong tình trạng thế nào, việc này đưa đến thất thu thuế của Nhà nước trong thời gian qua.
Vì vậy, với quy định này, khi công dân thực hiện giao dịch ở các văn phòng công chứng, dựa trên việc cập nhật thông tin liên tục ở CSDL chung, công chứng viên sẽ biết được lô đất đó đã có người đặt cọc, đang cho thuê, đã được bán... để thực hiện giao dịch cho người dân; từ đó, giúp ngăn chặn việc cùng một sổ đất nhưng lại có rất nhiều chủ. Thông qua đó, trách nhiệm của công chứng viên cũng cao hơn, giúp thành phố kiểm soát được quản lý đất đai tốt hơn, tránh thất thu thuế của Nhà nước.
Hoàng Gia Bảo