Theo đó, công văn nêu rõ trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã chia sẻ, truyền đưa, phát tán các thông tin vi phạm các quy định của pháp luật về tình hình dịch COVID-19 của TP. Đà Nẵng trên mạng xã hội, nổi bật nhất là các vi phạm đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin về người bệnh, vi phạm Điều 8, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; đăng tải, chia sẻ, tán phát thông tin sai sự thật, vi phạm quy định tại Điều 5 khoản 1 điểm e Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. 

Nội dung bản xét nghiệm COVID-19 giả được một đối tượng ở Đà Nẵng lan truyền trên mạng
Nội dung bản xét nghiệm COVID-19 giả được một đối tượng ở Đà Nẵng lan truyền trên mạng. (Ảnh: Công an huyện Hoà Vang cung cấp)

Các đối tượng vi phạm quy định trên tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt tối đa 30 triệu đồng theo Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử hoặc bị xử lý hình sự.

Do đó, nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật trong việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội về dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố không chia sẻ, truyền đưa, phát tán các thông tin từ các nguồn không chính thức, thông tin thiếu kiểm chứng, các thông tin cá nhân của người bệnh trên mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí, các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các hành vi vi phạm quy định về thông tin điện tử để người dân biết.

Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không chia sẻ, truyền đưa, phát tán các thông tin từ các nguồn không chính thức, quán triệt đội ngũ phóng viên, người làm báo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình không tiếp xúc, khai thác, chia sẻ, truyền đưa, phát tán các thông tin thiếu kiểm chứng, từ nguồn tin không chính thức; thực hiện nghiêm túc quy trình về soạn thảo, phát hành, tránh lộ lọt các văn bản còn dưới dạng dự thảo, các thông tin liên quan đến bí mật đời tư, dẫn đến việc phát tán trên mạng xã hội./.

Tối 3/5, mạng xã hội lan truyền một giấy xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của anh Nguyễn Thanh Long (SN 2002, trú xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Giấy xác nhận giả này có đóng dấu và chữ ký của bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, đơn vị thực hiện lấy mẫu là Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Trước sự việc trên, bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho biết, kết quả xét nghiệm dương tính SARS-Cov-2 của anh Nguyễn Thanh Long lan truyền trên mạng là giả.

Nhận thông tin, Công an huyện Hòa Vang chỉ đạo lực lượng nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Sau khi xác định chính xác đối tượng tung kết quả xét nghệm dương tính SARS-CoV-2 giả lên mạng xã hội, Công an huyện Hòa Vang tiến hành triệu tập làm việc và lập biên bản xử lý đối với Nguyễn Văn T. (1989, trú xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang). 

T khai báo tại Cơ quan Công an. (Ảnh: Công an huyện Hoà Vang cung cấp)
T khai báo tại Cơ quan Công an. (Ảnh: Công an huyện Hoà Vang cung cấp).

Tại Cơ quan Công an, T. khai đã lấy kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 2982 (trú Hội An, Quảng Nam, làm việc tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được sửa thành tên, tuổi, năm sinh, địa chỉ của anh Nguyễn Thanh Long do người khác cung cấp rồi tung lên mạng gây hoang mang dư luận.

Qua làm việc với cơ quan Công an, T. đã nhận thức hành vi của mình là sai trái và tiến hành gỡ bài viết, hình ảnh.

Hiện cơ quan công an đã đề xuất cơ quan thẩm quyền xử phạt T. với mức phạt tiền 12,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 99, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.


Nguyễn Tùng – Hoàng Dương