TP. Đà Nẵng vừa thành lập 3 đoàn công tác phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra các tạp hoá, các quầy kinh doanh bánh trung thu trên các tuyến đường
Ngày 22/9, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng cho biết, vừa thành lập 3 đoàn công tác phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra các tạp hoá, các quầy kinh doanh bánh trung thu trên các tuyến đường. Những trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định, đồng thời công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP. Đà Nẵng, 3 đoàn công tác nói trên phối hợp với UBND các quận, huyện sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt.
Việc kiểm tra chất lượng bánh trung thu tập trung các nội dung như: Kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP; nguồn gốc sản phẩm và phân tích một số chỉ tiêu vi sinh như: E.Coli, Coliform, tụ cầu vàng, liên cầu phân, tế bào men mốc…
“Đây là sản phẩm mang tính thời vụ, thời hạn sử dụng ngắn ngày nên từ đầu tháng 9, BQL ATTP đã cử lực lượng tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Quá trình kiểm tra kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn cộng đồng”, Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết,
Theo đó, để nâng cao hiệu quả bảo đảm ATTP đối với các sản phẩm bánh trung thu, BQL ATTP thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính, là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng thực phẩm.
Trong đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, yêu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng 3 đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn…
Đối với cơ quan chức năng, BQL ATTP TP. Đà Nẵng đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý ATTP, tuyên truyền phổ biến các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, cũng như đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Hiện nay, ngoài những sản phẩm bánh trung thu có thương hiệu và khẳng định chất lượng, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm giá rẻ, tự làm theo phương pháp gia truyền, các trang mạng xã hội cũng giới thiệu, chào bán nhiều sản phẩm “giá rẻ, chất lượng” có thương hiệu nước ngoài.
Thực tế này khiến người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ mất ATTP rất lớn. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên vì giá rẻ mà chấp nhận mua bánh trung thu không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Ngoài ra, đây là sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn nên người tiêu dùng nên bảo quản sản phẩm đúng cách, đồng thời, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ATTP trong sản xuất bánh trung thu”, ông Hải cho biết.
Năm nay thị trường hàng hóa phục vụ mùa Trung thu 2020 ở TP.Đà Nẵng trầm lắng hẳn so với mọi năm, sức mua yếu. Các năm trước, từ giữa tháng 7 âm lịch, thị trường Trung thu đã bắt đầu rộn ràng, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến đầu tháng 8 âm lịch mới lác đác có một số quầy bán bánh Trung thu xuất hiện ở vài tuyến đường như: Phan Châu Trinh, Nguyễn Tri Phương...
Thị trường đồ chơi mùa Trung thu cũng sụt giảm mạnh so với mọi năm. Các loại lồng đèn, đầu lân, trống lân được bày bán khá thưa thớt, mẫu mã không phong phú, đa dạng bằng mọi năm. Đáng chú ý, các sản phẩm lồng đèn ông sao sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hoàng Gia Bảo