Theo đó, 40 doanh nghiệp vận tải, lữ hành đã ký cam kết lắp camera cho 110 ô tô vận chuyển khách. Tuy nhiên, theo đánh giá, số lượng xe du lịch lắp đặt camera trên địa bàn thành phố vẫn còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, thành phố có hơn 2.200 ô tô được cấp phù hiệu vận chuyển du lịch, nhưng mới chỉ có 27 trong số 257 xe trên 30 chỗ đã lắp đặt camera.
Các doanh nghiệp vận tải, lữ hành ký cam kết lắp đặt camera giám sát
Những đơn vị đã sử dụng thiết bị cho biết, camera giúp quản lý được tác phong, văn hóa, văn minh phục vụ khách của lái xe, phụ xe; quản lý được tài sản cho khách; hỗ trợ xử lý các sự việc xảy ra bằng cách trích xuất video. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn khi triển khai lắp đặt thiết bị trên xe du lịch.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, hiện nay chưa có quy định rõ ràng nên việc lắp đặt camera chủ yếu qua việc vận động. Nhiều đơn vị chưa dùng thiết bị đưa ra các lý do như e ngại ảnh hưởng đến riêng tư của khách, tốn kém kinh phí, phương tiện vận hành liên tục nên không có thời gian đi lắp đặt...
Để tăng số lượng các nhà xe lắp đặt camera trên xe, ông Nguyễn Xuân Bình đề nghị lãnh đạo thành phố có chính sách ưu tiên hỗ trợ phí đỗ xe; làm việc với nhà cung cấp camera để giảm bớt giá thành; cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cảnh sát trật tự giảm việc kiểm tra khi xe đang lưu thông để không gây phiền hà cho du khách.
Trả lời các băn khoăn ở trên, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc ký kết lắp đặt camera trên xe du lịch mới chỉ là bước đầu. Trách nhiệm trước hết của nhà quản lý là phải tạo ra thêm sự đồng thuận trong việc lắp đặt camera giám sát và lan tỏa đến các doanh nghiệp khác để cùng nhau giữ môi trường du lịch của thành phố phát triển bền vững. “Chúng ta phải đoàn kết, thống nhất lại để tất cả mọi người cùng thắng, không ai bị thiệt thòi trong hoạt động du lịch” - ông Dũng nói.
Theo ông Đặng Việt Dũng, việc quan trọng lúc này là cần phải tính toán để quản lý hoạt động của camera sao cho hiệu quả, nếu không camera sẽ chỉ là chiếc máy vô hồn. Muốn thế, bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng các quy chế quản lý; còn các nhà quản lý phải phối hợp tốt các doanh nghiệp để khai thác dữ liệu thật tốt. “Phải làm sao để một đồng vốn bỏ ra, chúng ta phải thấy được hiệu quả rõ ràng và thiết thực” - ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, trong buổi gặp mặt doanh nghiệp du lịch sáng 11/8, các hướng dẫn viên và công ty lữ hành kiến nghị thành phố cần làm ngay việc lắp đặt camera trên xe khách, nhằm bảo đảm quyền lợi cho du khách và quản lý, giám sát được tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép.
Thời gian qua, nhiều hướng dẫn viên Việt Nam chỉ “ngồi đồng” trên xe hoặc có hợp đồng hướng dẫn khách nhưng làm lơ để hướng dẫn viên người nước ngoài thực hiện việc dẫn đoàn. Tình trạng này khiến cho hàng ngàn hướng dẫn viên tiếng Trung thất nghiệp; xuất hiện hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động chui nhưng không được phát hiện và xử lý nghiêm; hướng dẫn viên nước ngoài thuyết minh không đúng sự thật lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Hằng Vương (T/h)