Trong khuôn khổ chương trình thăm và làm việc của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Ấn Độ (EPCH) với Hiệp Hội làng nghề Việt Nam, ngày 21/5, đoàn đã đến thăm và làm việc với Cục Công thương địa phương (CTĐP), Bộ Công Thương.  

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Ấn Độ - Hình 1

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Chính Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục CTĐP cho biết: Việt Nam và các nước Nam Á hiện đã có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và giao lưu hợp tác kinh tế trên nhiều phương diện. Điển hình cho mối quan hệ hợp tác đó chính là quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ được thiết lập vào năm 2007. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng mạnh, chủ yếu là các mặt hàng mây tre đan, dệt may, da giầy, sản phẩm từ gỗ và một số mặt hàng nông sản,…

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức tăng trưởng khả quan với tốc độ ấn tượng. Vì vậy, Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ khi đơn vị bạn có nhu cầu.

Ông Rakesh Kumar - Giám đốc Điều hành EPCH đã làm rõ hơn thông tin này: Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ tăng cao. Đặc biệt, số lượng đơn hàng từ thị trường Việt Nam tăng rất mạnh. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, ông muốn tăng cường trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển công nghệ, phát triển kỹ thuật, trao đổi nghệ nhân, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giữa hai nước... các mặt hàng thủ công nghệ được quan tâm nhiều nhất: Gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, thêu - dệt, đồ đồng, đá trang trí...

Đại diện Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội mong muốn: Chuyến thăm lần này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với EPCH trên nhiều lĩnh vực như: Tăng cường trao đổi đoàn nghệ nhân và hợp tác giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp làng nghề, tư vấn mẫu mã sản phẩm thủ công, xúc tiến thương mại, định kỳ tổ chức các hội chợ triển lãm, các diễn đàn, hội thảo...

Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú, vì vậy Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Cụ thể, những lĩnh vực tiềm năng là điện, khí đốt, năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, dệt may, giầy, y tế và dược phẩm, ngành hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ… Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Ấn Độ - Hình 2

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ được đánh giá cao về độ tinh xảo và giá trị ứng dụng

Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã đi thăm một số cơ sở làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, như: Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng và làng nghề đúc đồng Đại Bái...

PV