Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trong phiên thảo luận tại hội trường, điều kiện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hiện nay vẫn còn 6 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong đó có vấn đề về biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trao đổi với báo chí quanh việc xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần quản lý đóng bảo hiểm như quản lý thuế.
Theo ông Huân, cần phân loại các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp nào chậm đóng? Doanh nghiệp nào trốn đóng? Như vậy, mới có ứng xử phù hợp.
“Nếu doanh nghiệp đang hoạt động bình thường nhưng do khó khăn vài tháng không đóng mà bắt đóng cửa thì lại gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Huân nói.
Do đó, theo ông Huân cũng giống như việc Quốc hội quyết định giãn thuế, chậm nộp thuế thì bảo hiểm cũng nên cho phép như vậy.
Bên cạnh đó, cũng theo vị đại biểu này, với doanh nghiệp nào chây ì cần phải có các chế tài, có cơ chế phối hợp với các ngành để có biện pháp xử lý.
“Không thể có chuyện doanh nghiệp không đóng bảo hiểm vẫn bình thường như các doanh nghiệp đóng bảo hiểm đều đặn”, ông Huân nói và cho rằng dần dần như vậy doanh nghiệp phải khắc phục, tương tự như câu chuyện khắc phục nộp thuế thì doanh nghiệp mới hoạt động trở lại sản xuất kinh doanh bình thường được.
“Còn doanh nghiệp cố tình chây ì là kiên quyết phải cho dừng hoạt động”, ông Huân nhấn mạnh và cho biết để thực hiện luật cần có văn bản hướng dẫn, có sự phân loại doanh nghiệp.
ĐBQH Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho biết, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay có một số doanh nghiệp chây ì, họ tìm mọi cách để trốn tránh, thậm chí không phải đóng bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề tồn tại.
Theo ông Cừ, hiện nay, nợ đóng bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp lớn, điều này ảnh hưởng đến tương lai của những người lao động. Đặc biệt sau này người lao động hết tuổi lao động sẽ liên quan đến chế độ lương hưu và các chế độ khác.
Do đó, theo đại biểu đoàn Hà Nội, để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cần phải tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm với những người lao động và trách nhiệm xã hội.
Đồng thời, tuyên truyền để những người lao động nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vấn đề đóng bảo hiểm xã hội.
Thêm vào đó, ông Cừ cho rằng, cơ quan thực thi cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với từng doanh nghiệp, có biện pháp xử lý từ hành chính, thậm chí hình sự để răn đe và tăng ý thức doanh nghiệp.
“Ngoài ra, không những cơ quan của bảo hiểm xã hội mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát”, ông Cừ nói.
Phương Thảo (t/h)