Ngày 23/02, UBND huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã ký kết với Công ty Endo Seian (Nhật Bản) về việc trồng đậu đỏ Azuki tại trên địa bàn huyện Cư M’gar. Đây là sự kiện mở ra nhiều hướng phát triển trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người lao động địa phương.
Với mục đích phát triển và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, hữu nghị. Công ty Endo Seian và huyện Cư M’gar đã ký kết về việc phối hợp trồng đậu đỏ Azuki.
Công ty Endo Seian là nhà sản xuất đậu đỏ Nhật Bản với năng lực sản xuất hằng năm khoảng 100.000 tấn, trong đó 8.000 tấn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay Công ty Endo Seian cũng nhập khẩu từ các nước khác khoảng 1.000 tấn/năm. Gần đây, giá đậu đỏ tăng cao do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và tình hình chính trị thế giới. Công ty Endo Seian đánh giá cao việc chuyển đậu đỏ Trung Quốc sang đậu đỏ của Việt Nam với chất lượng cao cũng như giá thu mua tốt hơn.
Với mục đích cung cấp đậu đỏ Azuki với chất lượng tốt và giá thành ổn định, Công ty Endo Seian đã tiến hành trồng thử nghiệm đậu đỏ giống Nhật tại tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, Công ty Endo Seian cũng có kế hoạch sản xuất và phân phối nhân đậu đỏ Azuki tại thị trường Việt Nam.
Sau khi tiến hành việc trồng thử nghiệm đậu đỏ tại Đắk Lắk, Công ty Endo Seian mong muốn được hợp tác, liên kết với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Cư M’gar để nghiên cứu phương pháp trồng trọt, cơ giới hóa, tuyển chọn giống, cải tạo giống để phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu tại Đắk Lắk, giúp nơi đây trở thành vùng trồng đậu đỏ lớn.
Công ty Endo Seian và huyện Cư M’gar phối hợp, tổ chức xây dựng, phát triển và sản xuất cây đậu đỏ tại Tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh tại vùng Tây Nguyên, phối hợp cử cán bộ nghiên cứu nông nghiệp, chuyên viên đến vùng trồng thử 04 loại đậu trong đó có: Đậu đỏ Azuki 03 loại, đậu trắng 01 loại (dự kiến 2.500m2 cho mỗi loại) trên địa bàn huyện Cư M’gar nhằm mục đích nghiên cứu, thí nghiệm. Tham gia nghiên cứu chung bao gồm so sánh các giống phù hợp với thổ nhưỡng canh tác tại Đắk Lắk và giám sát các điều kiện, trạng thái canh tác.
Hai bên sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ nhiều bà con nông dân tại tỉnh Đắk Lắk biết đến phương pháp canh tác cây đậu đỏ đã qua khảo nghiệm giống, đồng thời thực hiện các hoạt động PR nhằm tăng diện tích canh tác cây đậu đỏ azuki.
Việc hợp tác giữa hai bên có hiệu lực trong thời gian 05 năm. Trong trường hợp không có đề nghị khiếu nại từ bất kỳ bên nào trong hai bên, biên bản ghi nhớ này sẽ được tự động gia hạn thêm một năm.
Tuấn Sơn