“Nổ” như quảng cáo phân bón lá, cái gì cũng “siêu to, siêu nở”

Có rất nhiều loại phân bón lá khi nhìn vào nhãn mác, bao bì với những hình ảnh bắt mắt, những dòng quảng cáo, giới thiệu rất có cánh… xem qua cứ như những loại “siêu phân bón”, một “thần dược” giải quyết mọi vấn đề cho cây trồng. Thế nhưng thực tế chưa hẳn vậy.

Phân bón lá là một trong những giải pháp kỹ thuật về dinh dưỡng cây trồng được nông dân sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây. Những lợi ích vượt trội mà loại phân bón này đem lại như: gọn nhẹ, dễ sử dụng, có thể cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây trồng trong những trường hợp cây cần nhu cầu các chất dinh dưỡng cấp thiết như khi cây suy yếu do bị tổn thương bộ rễ, trong các trường hợp thời tiết bất lợi hoặc các giai đoạn cây cần nhu cầu chuyên biệt như khi phân hóa mầm hoa, nuôi quả, nuôi củ, phát triển mạnh cành, lá, ra rễ…

Đắk Lắk: Phân bón giả, kém chất lượng khiến thị trường

Một số loại phân bón nhìn vào nhãn mác, những lời giới thiệu thì đây toàn là những loại siêu phân bón, giải quyết tất cả những gì cây trồng cần. Ảnh: HQ

Chính vì nhu cầu thực tế này mà hiện nay trên thị trường phân bón lá xuất hiện nhan nhản các loại nhãn hiệu khác nhau. Qua khảo sát tại một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, dù quy mô lớn hay nhỏ cũng bày bán hàng chục loại với tên gọi “rất kêu”.

Sự cạnh tranh giữa các sản phẩm phân bón lá rất khốc liệt, ngoài cạnh tranh về chất lượng, giá, chính sách bán hàng… còn có cạnh tranh về quảng cáo. Đặc biệt, do nắm được tâm lý nông dân thường quyết định mua sản phẩm dựa nhiều vào những gì quảng cáo, giới thiệu trên bao bì sản phẩm, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón lá không ngại tung ra những lời quảng cáo theo kiểu “nổ banh” cho sản phẩm của mình.

Một trong những từ được dùng phổ biến là “siêu”, cái gì cũng siêu, từ siêu các thành phần dinh dưỡng như: siêu lân, siêu Kali, siêu đồng, siêu kẽm, siêu Bo… cho đến “siêu” công dụng: siêu ra rễ, siêu to củ, siêu to trái, siêu bung đọt, siêu tăng trưởng, siêu ra hoa, siêu tạo mầm…

Dạng quảng cáo phổ biến khác là trên các nhãn phân bón lá ghi nguyên liệu sản xuất nhập khẩu và công nghệ sản xuất toàn những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, châu Âu nhưng không biết người tiêu dùng kiểm chứng bằng cách nào? Có những loại phân bón ghi là sản xuất tại công ty ở Việt Nam nhưng lại in hình cờ Mỹ, Đức, Thái, Israel, Ấn Độ… hoặc như ghi vài dòng chữ nước ngoài hay biểu tượng một quốc gia nào đó khiến nông dân lầm tưởng đây là hàng nhập khẩu.

Nhập nhèm khái niệm

Theo thống kê, hiện nay, trên thị trường phân bón tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm loại phân bón được bày bán với khoảng hơn 1.000 đại lý lớn nhỏ. Bên cạnh những công ty có uy tín lâu năm, luôn đảm bảo về bao bì và chất lượng thì cũng có nhiều công ty dùng nhiều chiêu thức để đánh lừa nông dân, trong đó tình trạng ghi sai nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón không đúng diễn ra tràn lan và phức tạp.

Theo tìm hiểu Công ty TNHH TM Nam Việt có trụ sở tại Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương là một trong nhiều công ty sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm về vấn đề này. Sai phạm của Công ty nằm trên dòng phân hữu cơ sinh học Remedy –organi.

Đắk Lắk: Phân bón giả, kém chất lượng khiến thị trường

Các loại phân bón trung, vi lượng với tên gọi, thành phần dinh dưỡng được ghi rất nhập nhèm, đội lốt phân lân tràn ngập thị trường. Ảnh LSVN

Đáng nói là phân này có nguồn gốc chủ yếu từ phân bò, phân dê, phân được dùng để bón lót, bón thúc nhưng công dụng của phân hữu cơ này lại được ghi dùng để phòng và trị bệnh sưng rễ và truyến trùng trên các loại cây trồng; phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu; phòng và trị bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm trên cây cà phê….

Tuy nhiên, công dụng thực sự của các loại phân trên lại khó kiểm chứng. Đương nhiên, việc công ty ghi nhãn mác hàng hóa mập mờ sẽ khiến người tiêu dùng khó nhận biết về chất lượng. Hay nói cách khác, việc công ty Nam Việt ghi sai công dụng đã khiến cho người dùng hiểu sai về bản chất của phân bón, khiến phân bón vô tình thay thế luôn cả thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Người nông dân khi mua bón phân này về sử dụng sẽ đinh ninh là phân có thể bón cho cây và thay thế thuốc BVTV mà không cần xài thêm thứ gì, dẫn đến năng xuất cây trồng giảm thậm chí là cây chết.

Đại diện công ty Nam Việt cho rằng dòng phân phân hữu cơ sinh học Remedy –organic sản xuất tháng 6/2018 được đưa ra trên thị trường này là dòng phân thử nghiệm. Phận này công ty làm thử nghiệm trên hai vùng tiêu chính là xã Xuân Trường, huyện Đăk Song và xã Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, hiện nay dòng phân này vẫn đang được bán tại thị trường tỉnh Đắk Lắk và trên mẫu bao bì không hề ghi là sản phẩm dùng để thử nghiệm.

Ngoài sản phẩm của công ty Nam Việt còn xuất hiện nhan nhản các loại phân bón trung, vi lượng với tên gọi thành phần dinh dưỡng được ghi nhập nhèm, đội lốt phân lân với hiện tượng, để tên một đằng, thành phần một nẻo.

Đó là sản phẩm phân bón Lân Đen complex 500 của Công ty cổ phần phân bón N (địa chỉ tại KCN Tân Kim, xã Tân Kim, Cần Giuộc, Long An), mặc dù tên gọi là Lân Đen, nhưng trong phần hàm lượng thì không có phần trăm nào của lân cả. Thành phần duy nhất mà doanh nghiệp này ghi là canxi (14,3%) và magie (7,2%).

Tiếp đến là sản phẩm Supper lân của Công ty TNHH Quốc Tế FiFa (địa chỉ tại 145 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM), trong thành phần nguyên liệu là 17% nhưng hàm lượng thì lại không có tí lân nào.

Trong khi đó, người dùng khi mua sản phẩm cứ ngỡ mình mua được sản phẩm lân tốt về hoặc sẽ bón cho cây trồng thay thế lân, hoặc sẽ không bổ sung thêm lân cho cây trồng dẫn đến cây bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, dẫn đến năng xuất giảm sút, thậm chí cây chết mà không biết nguyên nhân vì sao.

Được biết, theo quy định của ngành hóa chất, các công ty muốn sản xuất phân lân phải có nhà máy có công nghệ gốc được Chính phủ cấp phép sản xuất. Thực tế các công ty có được giấy phép này chỉ tính trên đầu ngón tay như Công ty cổ phần phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...

Vậy các doanh nghiệp được nêu tên ở trên lấy cơ sở nào để sản xuât phân lân? Phải chăng việc các công ty ấy lấy tên sản phẩm là Lân Đen, supper Lân..., là có dấu hiệu vi phạm Nghị định 108/20017/NĐ-CP về quản lý phân bón và Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa?

Thực tế, trên thị trường Đắk Lắk hiện nay, các sản phẩm phân bón với tên gọi, nhãn mác, thành phần nhập nhèm rất nhiều. Các doanh nghiệp này nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã, bao bì để qua mặt người dân và cơ quan quản lý.

Như vậy, chưa cần phải đem đi xét nghiệm mà thông qua nhãn mác bao bì cũng có thể khẳng định các sản phẩm phân bón trên đều có vấn đề.

Với thực trạng như thế này, phân bón kém chất lượng đã và đang không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn gây bức xúc đối với những doanh nghiệp lớn có thương hiệu chân chính.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm cần phải siết chặt quản lý hơn nữa để tình trạng phân bón với tên gọi, bao bì nhãn mác mập mờ, công dụng ghi sai, ghi nhầm không còn tung hoành ngang nhiên trên thị trường.

Mới đây, rất nhiều diện tích cà-phê của người dân xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông bị rụng trái, vàng lá bất thường sau khi bón loại phân bón hỗn hợp NPK thế hệ mới, nhãn hiệu đầu trâu của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Công ty Phân bón Bình Điền) có địa chỉ tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nghi ngờ phân bón có vấn đề, người dân đã thông báo cho nhau ngừng bón phân, cất giữ số phân bón còn lại rồi báo cho chính quyền địa phương. Công ty Phân bón Bình Điền kiểm tra vườn cây, xác định nguyên nhân.

Đắk Lắk: Phân bón giả, kém chất lượng khiến thị trường

Nhiều diện tích cà-phê tại xã Quảng Hòa bị vàng lá, rụng trái bất thường sau khi bón phân hỗn hợp NPK thế hệ mới, nhãn hiệu Đầu trâu của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Ảnh Nhân dân

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra, nỗ lực giúp nông dân khắc phục vườn cây thì phía Công ty Phân bón Bình Điền cho rằng, nguyên nhân là do vườn cà-phê của người dân bị bệnh từ trước, thiếu chất dinh dưỡng, cho nên công ty không có biện pháp hỗ trợ khắc phục vườn cây và không hợp tác với địa phương để xử lý vụ việc khiến người dân rất bức xúc.

Chúng tôi đi thực tế tại một số vườn cà-phê trên địa bàn xã Quảng Hòa, chứng kiến nhiều diện tích cà-phê lá đồng loạt chuyển qua màu vàng úa, rụng trái bất thường.

Tuy nhiên, điều khiến gia đình bức xúc là người của Công ty Phân bón Bình Điền về kiểm tra vườn cây cho rằng vườn cà-phê bị nhiễm bệnh tuyến trùng rễ từ trước, do đó khi bón phân xuống rễ cây bị xót dẫn đến có hiện tượng như trên. Mặt khác, do vườn cà-phê có độ dốc cao cho nên khi gặp mưa lớn nước tràn bồn từ cao xuống thấp dẫn đến lây bệnh trên toàn vườn. Do đó, Công ty Phân bón Bình Điền không hề có biện pháp hỗ trợ cứu vườn cây mà bỏ mặc nông dân.