Lần thứ ba trong vòng hơn một năm, Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19. Mặc dù có những khó khăn nhất định trong bối cảnh dịch đang có những diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, song, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã có sự chuẩn bị kỹ hơn, với tâm thế chủ động và tinh thần quyết tâm cao.

Song song với thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, việc ổn định và đảm bảo đời sống của người dân luôn được đặt lên hàng đầu; trong đó có bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống.

Ngay khi dịch Covid- 19 trở lại trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương, DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp, phương án ứng phó cụ thể nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Herbfarm, xã Yên Bình (Vĩnh Tường) cung ứng ra thị trường sản phẩm gia cầm sạch, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.
Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Herbfarm, xã Yên Bình (Vĩnh Tường) cung ứng ra thị trường sản phẩm gia cầm sạch, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, nhiều DN, nhà phân phối còn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử; cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định.

Nhờ đó, tính đột biến sản lượng và giá cả trên địa bàn tỉnh không bị biến động; nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, đa dạng.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các điểm kinh doanh hàng hóa, các DN đầu mối tập kết hàng trên địa bàn về việc niêm yết giá, hạn sử dụng..., bảo đảm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, thực phẩm bẩn thẩm lậu vào địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường, tạo cơ hội cho các đối tượng trục lợi bất chính, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với các địa phương, chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi, kiểm tra nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm quy định pháp luật về đầu cơ, nâng giá.

Thành lập các đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống Covid-19 thuộc lĩnh vực Công thương trên địa bàn tỉnh; phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các đơn vị SXKD chủ động triển khai thực hiện công tác phòng chống Covid-19, tăng cường hoạt động thương mại điện tử khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; xây dựng các phương án cung ứng hàng hóa cho các địa bàn trong trường hợp bị cách ly do dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 ở một số tỉnh phía Nam diễn ra phức tạp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt (tính từ ngày 7/7/2021 đến nay, các trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch thành phố Hồ Chí Minh đều được cách ly và kiểm soát sau khi trở về Vĩnh Phúc).

Các hoạt động SXKD hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giảm nhưng không đáng kể; hàng hóa lưu thông đáp ứng đủ nhu cầu cho SXKD và tiêu dùng của nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm đến công tác đảm bảo nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa; chủ động, theo dõi tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, diễn biến cung- cầu, giá cả hàng hóa.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định của pháp luật về giá, phí, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt, nhằm đầy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu...

Trong dự thảo Báo cáo tình hình KT- XH của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm 2021 trình Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc; trong đó ngành công nghiệp tăng 21,98%, dịch vụ bán lẻ hàng hóa tăng 17,26%; ngành công nghiệp có sự phục hồi, phát triển khá; thu NSNN đạt 62,3% dự toán và bằng 133% so cùng kỳ...

Kết quả đó từ sự nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN duy trì sản xuất, không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng. Đây là sự minh chứng, cũng là tiền đề đảm bảo sự ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19.

Nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm, các hàng hóa thiết yếu ít nhiều sẽ có sự biến động. Bên cạnh đó, tình hình buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa, vi phạm trong kinh doanh, vi phạm an toàn VSTP vẫn xảy ra (tuy mức độ, quy mô không lớn, các hành vi vi phạm pháp luật đã được phát hiện và xử lý kịp thời).

Để đảm bảo cân đối cung- cầu, bình ổn thị trường, Sở Công thương, Cục QLTT tỉnh đã có những giải pháp phù hợp, cụ thể trong triển khai thực hiện là các kế hoạch, văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương.

Với sự nỗ lực, đồng lòng và tình thần quyết tâm cao, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt việc cung- cầu hàng hóa, kiểm soát thị trường, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

Anh Tú