Sống chung với lầy lội

“Khu tập thể chỉ cách quốc lộ 1A chưa tới 5km, nằm trong khu dân cư hiện hữu đông dân sinh sống. Thế nhưng, khi mưa xuống, con đường đất trở nên lầy lội, những vũng nước to đùng. Nếu không cẩn thận xe máy có thể bị sa lầy và té ngã” bà Đinh Thị Dòn bức xúc.

Dân góp tiền xây dựng hạ tầng DA (Đồng Nai) – Bài 3: Mòn mỏi chờ một con đường - Hình 1

Hằng ngày người dân vẫn sống chung với con đường lầy lội, đầy ổ gà, ổ trâu (Ảnh: Hải Dương)

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày đến khu tập thể trời không mưa, nhưng con đường đất trơ ra ổ trâu, ổ gà và sống voi cùng những cục đá to nhô lên khỏi mặt đường như thách thức người dân nơi đây.

Dịp sau trở lại, con đường tiếp tục bị xói mòn bởi trận mưa hôm trước. Những chiếc xe tải chở gỗ qua lại càng khiến con đường bị phá nát, để rồi tạo nên những ổ trâu to hơn, sâu hơn, rộng hơn.

Bà Bùi Thị Hai (tổ 13, khu phố 9) cho biết: “Mùa mưa việc đi lại ở đây khó khăn hơn, nhất là các trẻ nhỏ. Cháu tôi vừa ra khỏi cửa để đi học thì bị ngã ướt hết quần áo, phải về nhà để thay. Đến lớp trễ nên bị cô giáo mắng”.

Đường đi lại khó khăn nên nhiều người từng có ý định bám trụ nơi đây, cũng đã rời bỏ, vì không chịu được cảnh ở thành phố mà như ở bản miền núi.

Dân góp tiền xây dựng hạ tầng DA (Đồng Nai) – Bài 3: Mòn mỏi chờ một con đường - Hình 2

Thương nhất là lũ trẻ “chơi chung” với con đường đau khổ (Ảnh: Hải Dương)

Còn theo bà Ninh Thị Lan: “Chúng tôi muốn chính quyến sớm xây dựng con đường nhựa để dân bớt khổ. Hơn 1,4 tỷ đồng chúng tôi đóng góp để làm đường đã được sử dụng vào mục đích gì? Trong khi hàng ngày người dân vẫn khổ sở sống chung với con đường lầy lội”.

Ngậm ngùi bỏ tiền kéo điện

Chờ mãi không thấy dự án thực hiện, người dân nơi đây đã tổ chức cuộc họp và quyết định lại quyên góp tiền để xây dựng trụ điện chính, nối từ xa lộ Đồng Nai. Đầu năm 2008, hệ thống đường điện chính được hoàn thành với tổng số tiền 345 triệu đồng.

Ông Vũ Đình Giỏi, tổ trưởng tổ dân phố 13, chia sẻ: “115 hộ dân tổ 13 buộc phải góp 3 triệu đồng/hộ để xây đường điện, trụ điện chính này nối từ đường điện của phường với đường dây dài gần 1km”.

Bà Hai ngậm ngùi, nói: “Chúng tôi từ phía Bắc vào đây lập nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước. Thương nhất là lũ trẻ, ngồi học bằng nến hay đèn dầu mà mắt cứ phải nhìn sát vào trang giấy. Nên khi điện về tận nhà, bà con từ già đến trẻ trong lòng cứ vui như Tết”.

Mang danh là người thành phố nhưng mãi đến năm 2008 toàn bộ khu tập thể dệt Thống Nhất mới có điện để sử dụng.

Điều đáng nói ở đây là khoản tiền xây dựng hạ tầng gồm đường, điện đã được người dân bắt đầu đóng góp cho Sở Công thương từ năm 1998. Thế nhưng, cho đến năm 2001, thời điểm Sở Công thương Đồng Nai hoàn thành việc thu tiền của dân, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”.

Dân góp tiền xây dựng hạ tầng DA (Đồng Nai) – Bài 3: Mòn mỏi chờ một con đường - Hình 3

Đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông do đường xấu (Ảnh: Hải Dương)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Tân Biên cho biết, hiện tại, UBND tỉnh đang trong quá trình thanh tra toàn bộ dự án. Khi nào công bố kết luận thanh tra, phường sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.

115 hộ dân tại khu tập thể dệt Thống Nhất đóng tiền để thực hiện xây dựng hạ tầng dự án khu tập thể do Sở Công nghiệp Đồng Nai (nay là Sở Công thương) làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào năm 1998, tổng chi phí đầu tư 721 triệu đồng cho hệ thống hạ tầng. Dự án được quy hoạch với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cây xanh đường phố trồng dọc hai bên vỉ hè. Giao thông đường nội bộ nối các khu nhà ở với xa lộ Biên Hoà.

Nguyễn Lánh