Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục công tác học sinh, sinh viên, ông Trần Văn Đạt cho biết, việc thực hiện các Thông tư trên không chỉ là nhiệm vụ hành chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển văn hóa học đường và môi trường học tập của thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - một phần thiết yếu trong việc định hình tương lai của nền giáo dục nước nhà.

Ông Trần Văn Đạt nhấn mạnh: "Sau thời gian thực hiện các Thông tư trên, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường, đó là: Nâng cao ý thức về văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, các hoạt động văn hóa góp phần giáo dục toàn diện, phát triển cả về trí tuệ lẫn tâm hồn cho học sinh, sinh viên.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc hình thành môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thế hệ trẻ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, từ các câu lạc bộ, đội nhóm đến các sự kiện lớn như hội diễn, hội thao, tạo đàm… Đặc biệt, trong việc triển khai quy tắc ửng xử văn hóa và tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo - không chỉ nâng cao nhận thức mà còn tạo một môi trường học tập tích cực, trong đó mọi thành viên, giáo viên, học sinh, và phụ huynh đều được khuyến khích thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau".

Trong đó, phải kể đến một số kết quả tiêu biểu như: Hình thành văn hóa ứng xử, những quy tắc ứng xử được triển khai đồng bộ, nhấn mạnh giá trị của tôn trọng, đoàn kết và đạo đức trong môi trường học đường; Hoạt động văn hóa, nghệ thuật được các nhà trường quan tâm triển khai tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên. Các hoạt động này đã thu hút sự tham gia đông đảo các thành viên trong nhà trường, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; Góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, tích cực và hạnh phúc. Tạo điều kiện cho mối thành viên thể hiện tôn trọng lẫn nhau, khuyến khích tư duy sáng tạo, góp phần tạo dựng không khí đoàn kết, gắn bó giữa sinh viên với nhau và giữa sinh viên với giảng viên, hình thành một cộng đồng học tập năng động và sáng tạo.

Những kết quả tích cực trên là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực chung của ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục công tác học sinh, sinh viên cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức còn tồn tại, đó là: Một số cơ sở giáo dục vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc triển khai các hoạt động văn hóa, và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia; Chưa thực hiện đồng bộ quy tắc ứng xử, dẫn đến tình trạng không nhất quán trong nhận thức và hành động. Việc thiếu tài liệu hướng dẫn cụ thể và thiếu sự đồng bộ trong chỉ đạo từ cấp trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai; Ngoài ra, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và kinh phí cho các hoạt động văn hóa cũng là vấn đề cần được giải quyết.

Văn hóa học đường không chỉ đơn thuần là việc thực hiện quy tắc ứng xử mà còn bao hàm việc xây dựng một môi trường giáo dục tích cực, nơi mà học sinh cảm thấy an toàn và được tôn trọng.

Việc xây dựng một môi trường học tập tốt không chỉ yêu cầu sự cam kết từ phía giáo viên mà còn cần sự tham gia tích cực của toàn bộ cộng đồng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có những chỉ đạo sát sao hơn từ cấp, các ngành, các chuyên gia và toàn xã hội.

Thành Nam