Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.
Bên cạnh đó, 1662 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương; 70 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải; 104 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng; 76 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và UBND cấp tỉnh căn cứ quy định của Luật Bảo vệ môi trường, rà soát danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cập nhật danh mục theo quy định.
Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính chủ động cung cấp thông tin liên quan gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật vào danh mục.
Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất, công bằng, minh bạch trong việc cập nhật, điều chỉnh danh mục phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế, xã hội và tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.
Q.N (t/h)