THCL Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn nữa, theo Đại tá Ngô Kiên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu, còn nhiều vấn đề mà lực lượng và các cơ quan chức năng cần quan tâm.
Đồng bộ các biện pháp
Theo đó, cần tăng cường công tác quản lý nắm tình hình địa bàn, thường xuyên giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ công nhân viên các tuyến, địa bàn, phường xã trong cả nước, nhất là địa bàn biên giới, nơi có nhà ga, sân bay, bến tàu, bến xe, bãi tập kết hàng hóa… để họ không tiếp tay cho buôn lậu.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải thể hiện cao vai trò, trách nhiệm để cùng vào cuộc một cách thường xuyên, liên tục, chứ không chỉ hô hào hay làm theo phong trào.
“Đối với lực lượng công an nói chung, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu nói riêng, phải áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ cơ bản như điều tra, sưu tra, xác minh hiềm nghi, màng lưới bí mật, vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm để phát hiện nguồn tin, vụ việc và đối tượng đấu tranh. Chủ động nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội có liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung nhiệm vụ trọng tâm là đấu tranh với các tổ chức, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng mất ATVSTP”, Đại tá Kiên nhấn mạnh.
Từ kết quả đấu tranh các vụ án, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Phối hợp các lực lượng
Theo Đại tá Kiên, cần đẩy mạnh công tác phối hợp lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu. Lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu chủ động phối hợp với các bên hải quan, QLTT, bộ đội biên phòng, thuế, cảnh sát biển… để thu thập thông tin liên quan tới tội phạm, sử dụng lực lượng phối hợp đúng lúc; khắc phục những thiếu sót, hạn chế của các ngành chức năng khi tham gia phối hợp.
Đối với các lực lượng trong ngành, cần chú ý do đặc điểm của tội phạm buôn lậu là hoạt động theo tuyến, theo đường dây, tổ chức. Do đó, phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có biên giới, cửa khẩu với các tỉnh, thành phố là thị trường tiêu thụ hàng nhập lậu. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu sẽ chủ trì, chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu các địa phương tăng cường công tác trao đổi thông tin tội phạm; kết nối các hoạt động nghiệp vụ và tổ chức đón bắt, phá án khi kết thúc chuyên án.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác xây dựng lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu trong sạch, vững mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ: Bảo đảm thông tin pháp luật; đề cao kỷ cương, kỷ luật; thực hiện nghiêm điều lệnh Công an Nhân dân; thường xuyên quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sỹ về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Đổi mới công tác thi đua khen thưởng, lấy chỉ tiêu công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là chuyên án trinh sát triệt phá đường dây, tổ chức buôn lậu lớn làm cơ sở xem xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân.
Cần sửa đổi luật
Điều quan trọng, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phòng chống tội phạm buôn lậu, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động. Quy định rõ việc tịch thu phương tiện vận chuyển hàng lậu, giảm số lượng thuốc lá bị xử lý hình sự từ 1.500 bao xuống còn 500 bao tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Quy định rõ hành vi qua biên giới, định lượng đối với hàng cấm như ngà voi, sừng tê giác… trong Bộ luật Hình sự.
Quốc hội thông qua Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, trong đó quy định Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc hệ thống Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó quy định Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu.
Thanh Hà