Chánh VP thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đàm Thanh Thế: DN chớ đứng ngoài…
Để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trước hết, DN sản xuất phải bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình. DN cố gắng làm sao xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình. Nếu người dân phát hiện hàng giả, thì công ty có thể thưởng được không, tiền thưởng đó đưa vào chi phí sản xuất?
Làm được như vậy, sẽ bảo vệ được hàng hóa của mình. Đây là những giải pháp nên áp dụng. Từng DN có những kinh nghiệm hay, thì cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, nhân rộng điển hình.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh: Cảnh báo về hàng giả
Thực tế, có đến 90% dân số biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều DN biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ mà không dám đấu tranh, vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, lực lượng quản lý thị trường, mỗi năm xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm, nhưng hàng giả vẫn tràn lan. Công tác chống hàng giả, ngay từ khi nhận diện, phát hiện đối tượng để xử phạt đã khó khăn.
Đã đến lúc các ngành, địa phương, DN phải làm tốt công tác cảnh báo về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về cách nhận diện, tác hại và hình thức xử lý. Song song đó, ứng dụng CNTT, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho NTD biết và tránh. DN cần theo dõi sát tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền SHTT là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, tài sản vô hình phải bảo vệ, dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ là của cơ quan chức năng.
GĐ Trung tâm Nghiên cứu SHTT (Cục SHTT - Bộ KH&CN), Nguyễn Văn Bảy: Xử lý nghiêm vi phạm
Thực trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Hiện nay, các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao như dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… bị làm giả nhiều hơn cả với quy mô và tính chất rất nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, việc nhãn mác của nhiều sản phẩm giống nhau đến 90%, gây nên sự xáo trộn trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến DN làm ăn chân chính và nguy hại cho NTD.
Cục SHTT không có chức năng xử lý hành vi vi phạm, nhưng có chứng cứ ban đầu để cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý và các cơ quan đó sẽ vào cuộc để xử lý việc xâm phạm về SHTT.
GĐ Thương hiệu - Công ty RichardMoore Associates, Đỗ Nguyên Khôi: NTD - vai trò to lớn
Càng ngày, thương hiệu càng khẳng định giá trị, vị thế của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Do vậy, bản thân DN, bên cạnh việc cho ra sản phẩm tốt, chất lượng, cần phải có chiến lược đầu tư, đưa ra giá cả phù hợp và phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu, tăng cường công tác truyền thông tới NTD, những đặc điểm nhận biết thương hiệu của DN mình…
Bên cạnh đó, NTD có vai trò to lớn; nhận thức, thái độ và hành vi của NTD sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. NTD, trước khi mua một sản phẩm nào đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác để mua đúng sản phẩm từ các DN uy tín…
Đặc biệt, các cơ quan hữu quan cần làm tốt công tác rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách phòng chống hàng giả, hàng nhái, cũng như quy định pháp luật bảo vệ DN và NTD. Đồng thời, tăng cường phối hợp cả trong chính sách, tuyên truyền và xử lý các vụ việc vi phạm.
Chủ tịch HĐQT, Công ty CP TRAPHACO, Vũ Thị Thuận: Đăng ký quyền SHTT
Công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, không chỉ của cơ quan chức năng, mà còn của chính DN, cần phải tham gia. Thực tế, có không ít DN làm ăn kiểu chộp giật, vô tình hay cố tình vi phạm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến trách nhiệm xã hội của những DN đó.
Các DN cần tôn trọng giá trị sáng tạo của công ty mình đó là đăng ký SHTT làm cơ sở pháp lý để khi có việc gì xảy ra, DN có thể tự vệ, dựa vào pháp luật để bảo vệ giá trị khi bị xâm hại, làm giả, làm nhái... Ngay từ bây giờ, mọi giá trị thương mại, phát minh sáng chế, các DN nên đăng ký quyền SHTT để bảo vệ cho chính mình và còn tăng giá trị vô hình cho DN. Bởi vì, lợi nhuận thu về từ hàng giả, hàng nhái rất lớn khiến một số đối tượng bất chấp đạo đức, sản xuất, kinh doanh để trục lợi bất chính.
GĐ CT Chế biến dầu thực vật & thực phẩm VN, BS. Nguyễn Công Suất: Cái khó… bó cái khôn
Chúng tôi sản xuất dầu gấc Vinaga. Sau khi sản phẩm tiêu thụ 3 - 4 năm, có rất nhiều hàng giả, hàng nhái cùng loại “ăn theo”. Họ chỉ thay na ná tên thương hiệu (tên gọi có khi chỉ thay thế chữ N bằng chữ T, ví như dầu gấc Vitaga…), trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì, thiết kế mẫu mã. Những điểm trùng hợp này, thực sự khiến NTD gặp khó khi lựa chọn sản phẩm dầu gấc trên thị trường.
Cái khó là, dù bị xâm phạm, nhưng không biết “kêu” ai xử lý, trong khi thiệt hại do hàng giả hàng nhái không thể đong đếm hết. Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ bởi sự sống còn của công ty, mà còn là trách nhiệm của DN với NTD, đã tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm của DN. Chúng tôi đã và đang nỗ lực, nhưng cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, sự đồng hành của NTD.
Phan Chinh (Ghi)