Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Lê Thế Bảo
Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Lê Thế Bảo:
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, Việt Nam đã tham gia nhiều thỏa thuận song phương, đa phương nên có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Do sự cạnh tranh trong hoạt động kinh tế thương mại ngày càng mạnh mẽ, nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT dự báo vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, có cả yếu tố nước ngoài. Nó đòi hỏi, công tác đấu tranh chống vấn nạn này cần phải quyết liệt, đồng bộ hữu hiệu hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong những năm qua, Hiệp hội VATAP và các DN hội viên đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Hiệp hội tích cực vận động hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.
Để đấu tranh có hiệu quả trong công tác này, Hiệp hội VATAP kiến nghị:
Cần có chế tài đủ sức răn đe, xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền SHTT.
Các lực lượng chức năng cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong công tác đấu tranh chống vấn nạn này. Các DN cần theo dõi sát thị trường tiêu thụ hàng hóa, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền SHTT là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải được bảo vệ. Cần bỏ suy nghĩ, coi công tác chống hàng giả, hàng nhái là của phía cơ quan chức năng. Mỗi NTD nên tự trang bị cho mình kiến thức để có cách tiêu dùng thông minh, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.
Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này bằng cách đổi mới nội dung, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm, kết quả đạt được của các lực lượng chức năng... để nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh chống nạn hàng giả của toàn xã hội.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Đinh Hữu Phí
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Đinh Hữu Phí:
Nâng cao hiệu quả thực thi
“Tăng cường các biện pháp và nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT” - là nội dung quan trọng mà các đối tác nước ngoài đặt ra đối với Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cũng là vấn đề được đề cập, nhấn mạnh nhất trong việc đánh giá chính sách đầu tư, thương mại.
Việc bảo đảm thực thi hiệu quả quyền SHTT, sẽ tạo động lực cho các chủ thể khai thác và thương mại hóa quyền SHTT, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào hoạt động SXKD, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của NTD.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Điều đó, được thể hiện qua việc Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ và một hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT.
Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hoạt động bảo vệ quyền SHTT, chống hàng giả còn hạn chế. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thực thi chưa thực sự chặt chẽ và thường xuyên, chủ yếu dừng ở mức chia sẻ thông tin và tham gia phối hợp trong một số hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Các biện pháp thực thi thiên về xử phạt hành chính, trong khi bản chất quyền SHTT là quyền dân sự. Các đơn vị còn có tâm lý e ngại khi đưa vụ việc ra tòa do thủ tục giải quyết thường mất nhiều thời gian và chi phí cao hơn so với biện pháp hành chính. DN không muốn để lộ bí mật kinh doanh trong quá trình xét xử.
Nhận thức của người dân, các tổ chức, DN về bảo hộ quyền SHTT chưa cao, chưa có ý thức chủ động tự bảo vệ quyền của mình, cũng như tôn trọng quyền SHTT của người khác.
Cơ chế giải quyết tranh chấp qua trung gian hòa giải, trọng tài chưa được phát huy, sử dụng, dẫn đến gánh nặng dồn lên vai các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp...
Ông Vũ Xuân Bính, Phòng Nghiệp vụ 2 (Tổng cục QLTT)
Ông Vũ Xuân Bính, Phòng Nghiệp vụ 2 (Tổng cục QLTT):
Xử lý nhiều vụ vi phạm
Hàng giả, nhái, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường, từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố, thậm chí trong một số siêu thị. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, suy giảm niềm tin của NTD, giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.
Nguyên nhân có thể kể đến: Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe (trong khi lợi nhuận mang lại cho các đối tượng vi phạm là rất lớn); lực lượng quản lý, kiểm tra tuy đông nhưng hoạt động thiếu đồng bộ, chồng chéo.
Một số DN vẫn chưa quan tâm, chú trọng việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình. Chưa có nhiều DN triển khai thực hiện cầu nối xác thực hàng hóa với NTD để đưa đầy đủ thông tin của DN lên hàng hóa, ghi nhận phản ánh của NTD đối với DN. Tâm lý số đông NTD hiện nay vẫn ham mua hàng rẻ. Sự đa dạng về mẫu mã, giá cả và chủng loại hàng hóa khiến NTD khó nhận biết được đâu là hàng thật - hàng giả. Để bảo vệ chính mình, NTD cần có sự nhận thức - những giải pháp thông minh để phân biệt hàng thật - hàng giả.
Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tổ chức triển khai thực hiện kênh kết nối trực tuyến tới các DN và NTD. Theo đó, DN và NTD có thể gửi thông tin những nghi ngờ về sản phẩm của mình bị làm giả, nhái hoặc hàng giả, nhái tới cơ quan chức năng, để có biện pháp kiểm tra, xử lý.
Cùng với đó, Tổng cục sẽ ban hành kế hoạch tập trung kiểm tra, kiểm soát các địa điểm tâp trung cụ thể, nổi cộm về hàng giả, nhái.
PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội
PGS. TS. Vũ Thị Hải Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội:
Xây dựng, phát triển thương hiệu
Bảo hộ thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường cho các DN, nâng cao văn minh thương mại, chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi NTD.
Thời gian qua, việc bảo vệ thương hiệu của các DN đã có sự tiến triển đáng khích lệ. Có những DN đã chủ động đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT như gửi thư khuyến cáo, tổ chức họp báo công khai, thông tin quảng cáo để giúp NTD phân biệt hàng thật, hàng giả; tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý, nơi bán sản phẩm nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, nhái trong hệ thống tiêu thụ; có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực các cơ quan thực thi trong việc phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận DN lúng túng, bị động trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; chưa tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát vì ngại mất thời gian...
Để thương hiệu có thể trở thành công cụ thúc đẩy sự phát triển, mỗi DN cần: Nâng cao ý thức và nhận thức của mình về xây dựng và phát triển thương hiệu. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền SHTT, DN nên chủ động tìm biện pháp, hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết; quan tâm đến đăng ký thương hiệu ở trong nước và thị trường nước ngoài; tiến hành đăng ký tên miền đồng bộ với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hoặc tên thương mại.
DN tăng cường sử dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ thương hiệu như đưa thông tin về quyền SHTT lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ; sử dụng các phương tiện kỹ thuật để đánh dấu, phân biệt sản phẩm được bảo hộ, dán tem, nhãn chống hàng giả...
Nguyễn Kiên (ghi)