Giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”

Đối với vấn đề nông sản “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra rằng ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện có quy mô nhỏ bé, phân tán và nhiều sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, nên rất khó cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, sự liên kết kém và kế hoạch sản xuất chưa kết nối được với kế hoạch của thị trường. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo các địa phương, trước mắt phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ làm tốt việc thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tăng cường đàm phán với các nước để đưa sản phẩm của Việt Nam vào các thị trường theo những Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký”.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng “được mùa mất giá”, cần tập trung 5 vấn đề, bao gồm: Một là, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, tức là phải tích tụ đất đai, liên kết sản xuất để có quy mô sản phẩm lớn, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Hai là, gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; Ba là, tổ chức hệ thống phân phối, thương mại cả trong nước và ngoài nước theo hướng hiện đại; Bốn là, liên kết các mô hình nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; Năm là, liên kết sản xuất và tăng cường cơ chế để có thể bảo vệ sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài đạt kết quả cao nhất.

Để nông sản Việt Nam vào thị trường quốc tế

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nông sản của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa có giá trị cao và bán ra thị trường thế giới. Bởi lẽ, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do, với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ và người tiêu dùng lên tới gần 7 tỷ người, thị trường có độ mở rất lớn. Thực tế, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu được vào những thị trường rất khó tính, như: Mỹ, Liên minh Châu Âu EU, Nhật Bản, Canada, Đức… và các nước phát triển. Điều này chứng tỏ, sản phẩm nông sản của Việt Nam đạt tiêu chuẩn về thị trường. Việt Nam hiện cũng bán ra thị trường những cái mà thị trường cần, chứ không phải bán ra những cái mà mình có.

Quảng bá hình ảnh trái vải tươi Việt Nam tại Nhật Bản
Quảng bá hình ảnh trái vải tươi Việt Nam tại Nhật Bản.

Thời gian qua, để tạo thuận lợi tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành để thuận lợi hóa thủ tục, thuận lợi hóa thương mại quốc tế.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường quốc tế, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số giải pháp chính, bao gồm:

Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng làm thật tốt việc thông tin thị trường và thông qua thông tin thị trường sẽ định hướng sản xuất cho các vùng trồng, vùng nuôi và các địa phương.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để đưa các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường các nước và khai thác được lợi thế của 17 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành để tháo gỡ các thủ tục, thuận lợi hóa các thủ tục hành chính, hợp tác thương mại để hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi hơn, giảm các chi phí không cần thiết.

Thứ tư, Bộ sẽ triển khai đẩy mạnh Đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch mà Bộ Công Thương được giao chủ trì. Hiện Bộ đã hoàn tất Đề án, đang lấy ý kiến của một số bộ, ngành và cũng đã có 18/63 địa phương có ý kiến về Đề án. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, bộ ngành sớm có ý kiến để Bộ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 06/2022, làm cơ sở cho việc thực hiện.

Thứ năm, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cơ chế khuyến khích xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông sản và đề nghị phải theo hướng chính ngạch.

Thứ sáu, các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thương mại điện tử, theo hướng vừa phát triển thương mại điện tử song hành phát triển thị trường truyền thống, phát triển thị trường trong nước đồng thời phát triển mạnh thị trường ngoài nước. Cùng với đó, các địa phương cũng cần làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường.

Anh Minh