Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ thêm về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đó, cần phân biệt thế nào là nhãn hiệu, thế nào là thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhưng thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.
"Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng, của sản phẩm. Thương hiệu bắt đầu từ cảm xúc của người tiêu dùng. Để xây dựng thành công một thương hiệu nông sản có khi phải 05 năm, 10 năm mới xây dựng được và phải bắt đầu từ ngành hàng, chứ không phải từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)", ông Lê Minh Hoan nói.
Cũng về vấn đề xuất khẩu nông sản, Đại biểu Nguyễn Vân Thi, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đưa ra câu hỏi: Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng đa phần là xuất khẩu thô, phụ thuộc vào một vài thị trường, vậy Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để tăng tỉ lệ nông sản chế biến, tỉ lệ chính ngạch và mở rộng các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Công bằng mà nói, trong các mặt hàng nông sản, có nhiều ngành hàng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến chiếm tỉ trọng lớn như thủy sản, gỗ, cao su… Tuy nhiên, cái khó và rủi ro nhất hiện nay có thể nhận thấy là các mặt hàng trái cây".
"Tư lệnh" ngành NN&PTNT cho biết, hiện nay, đã có các doanh nghiệp tham gia vào chế biến các mặt hàng trái cây tại Sơn La, Gia Lai… Điểm chung là các doanh nghiệp đánh giá cao tính liên kết của nông dân ở những vùng nguyên liệu này. Khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của sản phẩm và tính liên tục, chứ không thể hoạt động vài tháng, còn lại đóng cửa.
Ngoài ra, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư còn phải giải quyết vấn đề nông dân không bán hàng cho nhà máy. Đây là vấn đề liên quan đến liên kết sản xuất. Hiện nay, vấn đề này mới chỉ giải quyết bằng niềm tin, giữa nông dân với doanh nghiệp và ngược lại.
Việc thay đổi tư duy toàn ngành nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là một quá trình. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì, chiến lược tới đây và các chính sách nội ngành đều bám theo mục tiêu đó, tích hợp đa giá trị và lấy thị trường làm mốc để quyết định điều chỉnh chính sách, chủ trương phát triển ngành cho phù hợp.
P.C.H (t/h)