Kế hoạch này được đưa ra nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội; thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước. Tính đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm 22% trong tổng số 9.852 sản phẩm OCOP của cả nước. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhờ đó các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Cùng với đó là hơn 1350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 318 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Nhiều làng nghề ở Thủ đô đã đầu tư để đón khách du lịch. Có thể kể đến như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái…
Bên cạnh đó, du lịch làng nghề thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng - lợi thế của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trọng tâm là phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, các điểm bán tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng... trên địa bàn thành phố; hỗ trợ giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP của Hà Nội, các tỉnh, thành phố vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Trong năm 2024, thành phố sẽ phát triển 10-20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn; tổ chức hiệu quả hoạt động giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
PV(t/h)