Đông trùng hạ thảo tốt cho sức khỏe
Nhằm đem đến cho khách hàng những sản phẩm tiện dụng, tốt cho sức khỏe, anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1985, quê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã ngày đêm nghiên cứu và sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo.
Được biết, anh Tuấn đang có 06 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao như: Mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo Đăng Khoa, rượu đông trùng hạ thảo, tổ yến chưng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo tươi đăng khoa, rượu trắng đăng khoa Nga Sơn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: "Đông trùng hạ thảo là loại thảo dược quý, tốt cho sức khỏe nên được người dân mua về sử dụng. Trong đông trùng hạ thảo có chứa thành phần protein, axit trùng thảo, đồng, kẽm, sắt, mangan,…có tác dụng bồi bổ cơ thể, tráng dương, ngăn ngừa lão hóa và điều trị rất nhiều căn bệnh của con người".
"Hiện tôi đang có khoảng 500m2 nhà xưởng để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, với 8 lao động được trả lương trên 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, có 02 địa điểm bán, trưng bày các sản phẩm đông trùng hạ thảo cụ thể ở xóm 6, xã Nga Yên, huyện Nga Sơn và địa chỉ 169 Lạc Long Quân, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa", anh Tuấn cho biết thêm.
Theo anh Tuấn "ông vua" của 06 sản phẩm OCOP ở Thanh Hóa đánh giá, năm nay kinh tế khó khăn nhưng đối với đời sống của người lao động luôn được anh quan tâm, ưu tiên, không ai phải nghỉ việc, nợ lương...
Ngoài ra, anh Tuấn đã hoàn thiện thêm 02 hồ sơ để tới đây công nhận OCOP gồm sản phẩm viên nan đông trùng hạ thảo Đăng Khoa và trà túi lọc đông trùng hạ thảo Đăng Khoa. Theo dự định trong năm 2023 tôi sẽ nâng cấp 3 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.
Nói về lợi thế các sản phẩm được "gắn sao" OCOP, anh Tuấn thổ lộ:
"Khi các sản phẩm được công nhận OCOP thì được tham gia đào tạo, tập huấn, thông tin trên mạng. Bên canh đó, giúp sản phẩm tiếp cận nhanh tới khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm…vì thế đem lại doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm".
Quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm với ấu trùng của một loài côn trùng vào mùa đông, nấm ký sinh vào sâu non, ăn hết chất dinh dưỡng và làm chết sâu non. Đến mùa hạ, nấm bắt đầu mọc lên, và trồi lên mặt đất. Chính vì mùa đông là trùng, mùa hạ là thảo nên được gọi đông trùng hạ thảo.
Anh Tuấn chia sẻ: "Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công, trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu như: Gạo lứt, nhộng tằm, nước dừa, các loại Vitamin tinh khiết…được lựa chọn công phu, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng".
Tiếp theo các công đoạn phối trộn cơ chất nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ tỷ lệ phối trộn đến thời gian hấp, công đoạn cấy phôi, phải đảm bảo nhiệt độ môi trường nuôi dưỡng.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc, nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi phải đúng khoa học. Phòng ủ tơ duy trì nhiệt độ phòng ủ từ 250c, độ ẩm 90%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt (khoảng 05-07 ngày) .
Sau đó chuyển sang phòng nuôi sáng duy trì nhiệt độ 18-250c, độ ẩm 90% và chiếu sáng 2000 lux cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm, tiếp tục chiếu sáng 12-14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.
Thông thường sau khi chuyển sang phòng nuôi và chiếu sáng 14 ngày thì sợi nấm chuyển màu vàng và hình thành thể quả. Khi thể quả bắt đầu hình thành bào tử thì tiến hành thu hoạch, dùng dao chuyên dụng cắt riêng phần thể quả và giá thể.
Đông trùng hạ thảo, cùng với Linh chi, Nhân sâm và Tam thất…chúng tạo thành "bộ tứ thần dược" có tác dụng rất tốt đến sức khỏe con người. Sách Y học Cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi đông trùng hạ thảo là vị thuốc "cải lão hoàn đồng", "hồi xuân, sinh lực" có tác dụng "Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hóa đàm, "Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ"…
Lê Nam