Dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn đang gặp khó trong GPMB mặt nướcDự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn đang gặp khó trong GPMB mặt nước

Tính đến thời điểm hiện tại, 5 dự án trọng điểm trên địa bàn huyện vừa hoàn thành GPMB, huyện đang tập trung mạnh GPMB đối với 4 dự án được xác định là trọng điểm, đó là các dự án: Tuyến đường trục chính Trung tâm đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2); dự án mở rộng đường 334 đoạn từ sân golf Ao Tiên đến nút giao đường 334 và đường vào công viên phức hợp KKT Vân Đồn; Khu tái định cư xã Vạn Yên.

Theo ông Lưu Văn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn, mặc dù cả hệ thống chính trị quyết tâm cao và có nhiều giải pháp, tuy nhiên cả 4 dự án hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó, Dự án khu tái định cư xã Vạn Yên phải thay đổi quy hoạch nên chưa thể triển khai GPMB.

Đặc biệt, khó khăn nhất trong thời điểm hiện tại là Dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá loại I tại huyện Vân Đồn. Với quy mô 98,64ha, dự án này ảnh hưởng đến 116 hộ dân thuộc địa bàn thị trấn Cái Rồng và xã Đông Xá. Hiện các địa phương đang tiếp tục tập trung rà soát lại số hộ và diện tích đã kiểm đếm, đồng thời hoàn thiện hồ sơ gửi xác minh nguồn gốc đất nuôi trồng theo quy định để bàn giao diện tích mặt nước cho chủ đầu tư thi công dự án.

Khó khăn không nhỏ do nhiều hộ là người từ địa phương khác, không chỉ nuôi trồng thủy sản mà cả gia đình đều sinh sống trên bè, làm nghề chèo đò nhiều năm, mặc dù đồng ý với chủ trương của huyện nhưng không tự bố trí được công việc và nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Đối với các hộ sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản từ lâu nhưng chưa được cơ quan nhà nước cấp phép, theo quy định sẽ không có cơ chế chính sách để hỗ trợ, di chuyển. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm đối với các bè nuôi cá song, cá giò gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, mặc dù hiện nay Phòng NN&PTNT đã tham mưu báo cáo UBND huyện 2 vị trí để di dời lồng bè nuôi trồng hải sản, nhưng đến nay chưa có đánh giá về sự phù hợp với quy hoạch, điều kiện nuôi, dự kiến diện tích... nên các địa phương chưa có cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vân Đồn, cho biết thêm: Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu khiến quá trình GPMB bị chậm tại nhiều dự án do người dân không đồng thuận với cơ chế đền bù, còn bởi phải mất nhiều thời gian xác minh nguồn gốc đất do nhiều nơi, trước kia quản lý lỏng lẻo nên việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ.

Để khắc phục những hạn chế này, cùng với việc áp dụng đầy đủ các cơ chế, chính sách đền bù, GPMB, đẩy nhanh tốc độ kiểm đếm, lập phương án đền bù, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn đang thống nhất phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định đối với các hộ dân không hợp tác để bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Trang Nguyễn