Phát biểu tại phiên họp ngày 1/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) cho biết: Về lĩnh vực giáo dục, hiện nay có một số khâu trong công tác quản lý của ngành giáo dục và đào tạo đang còn bất cập. Nhiều năm, ngành vẫn xoay quanh việc đổi mới thi cử.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, đổi mới giáo dục, trước hết là phải xem lại tư duy về giáo dục Việt Nam, đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác đào tạo giáo viên, chất lượng đội ngũ, chất lượng sách giáo khoa và cuối cùng mới là công tác thi cử.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập của ngành giáo dục như việc khoán mua giấy vở, các khoản thu trái quy định, thiếu minh bạch… Do đó, ngành giáo dục và đào tạo cần chú ý, chỉ đạo để lấy lại hình ảnh, vị thế của sự nghiệp trồng người.

ĐBQH Cao Đình Thưởng: Đổi mới giáo dục trước tiên phải xem lại tư duy - Hình 1

ĐBQH Cao Đình Thưởng

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đã phát huy tác dụng, nhưng còn nhiều việc cần bàn. Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng: Trong hệ thống chính trị, Đảng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; cơ quan dân cử giám sát, khảo sát; cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra…

Song hiện nay thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhiều nơi mang tính hình thức, chồng chéo gây cản trở hoạt động của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; hình thức và nội dung thanh tra, kiểm tra trùng lặp, kém hiệu quả. Đơn cử, thành phố Việt Trì 9 tháng năm 2017, có 71 cuộc thanh tra, kiểm tra bằng 1.048 buổi. Đại biểu đề nghị các cấp từ Trung ương đến địa phương cần chỉ đạo điều hành công tác này khoa học, kịp thời, hiệu quả và tránh hình thức cũng như dễ nảy sinh tiêu cực để công tác thanh tra, kiểm tra là động lực cho sự phát triển đất nước.

Về điều hành của ngành điện lực, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề quản lý điện hạ áp ở nông thôn là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Thực tế cho thấy, đa số các xã chuyển mạng lưới cho ngành điện quản lý thì chất lượng điện rất tốt, giá thành hợp lý, nhưng hiện nay tại nhiều xã, việc quản lý, điều hành vẫn do các hợp tác xã điện năng đảm nhận.

Tỉnh Phú Thọ, còn 28 xã chưa được chuyển giao, mạng lưới điện xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn lực đầu tư, giá điện nâng cao do qua nhiều khung trung gian, đội ngũ thợ điện thiếu chuyên môn, gây bất bình trong nhân dân.

Đại biểu đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ nút thắt trong công tác quản lý, kinh doanh điện, giải quyết lợi ích của người dân ở nông thôn và vùng khó khăn. 

Hoan Nguyễn