ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum). (Ảnh: quochoi.vn)
Chiều nay, 28/5/2019, thảo luận ở tổ về dự thảo Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dẫn chứng hàng loạt vụ đối tượng bị khởi tố bỏ trốn như vụ Vũ “nhôm”, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và mới nhất là Bùi Quang Huy (ông chủ Nhật Cường Mobile) và đề xuất quy định để ngăn chặn việc bỏ trốn ra nước ngoài.
Đề cập tới quy định những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh tại điều 28 dự thảo Luật, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết: Tại khoản 1 điều 28 quy định: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo ĐB Tám, quy định như trên chưa đảm bảo chặt chẽ. “Có những trường hợp chưa thỏa mãn điều kiện ở khoản 1 thì đối tượng đã bỏ trốn. Ví dụ như người đang bị cơ quan kiểm tra, thanh tra làm việc, họ thấy có nguy cơ bị pháp luật xử lý nên bỏ trốn. Nếu quy định chờ đến khi có kiến nghị khởi tố mới tạm hoãn xuất cảnh thì muộn quá”, ĐB Tám nói.
Vị ĐBQH này cho biết thêm, thông thường trốn đi nước ngoài là tội phạm tham nhũng, còn các tội phạm khác có trốn ra nước ngoài nhưng ít hơn vì không có điều kiện.
“Đối tượng tham nhũng có nhiều tiền rồi thường có “động” là “nhảy”. Chính vì thế nên bổ sung quy định để đảm bảo chặt chẽ, ngăn chặn bớt việc bỏ trốn. Như quy định theo hướng, người đang ở trong quá trình bị kiểm tra, thanh tra thì tạm hoãn xuất cảnh”, ĐB Tám đề nghị.
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu, ảnh V.H)
Cũng đề cập tới quy định tạm hoãn xuất cảnh, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng quy định của dự thảo Luật chưa chặt chẽ.
“Có những người phạm tội tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, nhưng đang trong quá trình xử lý, chưa có quyết định khởi tố thì phải quy định để ngăn chặn họ bỏ trốn”, ĐB Hạ nói và dẫn chứng trường hợp của Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc PVTEX) trốn ra nước ngoài, rồi Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”, đến nay là Bùi Quang Huy, chủ Nhật Cường Mobile cũng trốn mất...
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trong phát biểu cũng nhắc tới vụ Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh trốn đi nước ngoài trước khi bị khởi tố, đến nay là Bùi Quang Huy – Giám đốc của Nhật Cường Mobile cũng bỏ trốn.
“Trước đây, tôi từng nói những đối tượng này đã nằm trong các chuyên án, đưa vào trong diện điều tra mà chúng ta lại “thả lỏng” thì không chấp nhận được. Những trường hợp đã nằm trong chuyên án rồi thì chúng ta phải có trinh sát nội, ngoại tuyến để theo dõi, tại sao vẫn có trường hợp bỏ trốn? Cần phải dự phòng các trường hợp để cấm xuất cảnh”, ĐB Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng đề xuất, Luật cần bổ sung quy định theo hướng, tất cả đối tượng đang được xem xét, điều tra thì cần bị cấm xuất cảnh để tránh việc họ ra nước ngoài rồi trốn ở lại đó. “Cần phải đề phòng vì thực tiễn xảy ra nhiều”, ĐB Nhưỡng cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 6 chương 40 điều, trong đó đối với công dân, gồm 8 điểm mới sau đây:
- Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, gồm 4 quyền, 3 nghĩa vụ.
- Không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
- Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất. Quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.
- Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
- Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
- Hộ chiếu cấp riêng cho từng người. Quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm.
- Người từ đử 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.
- Luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu; để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
Theo Lương Kết (Dân Việt)