Tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 3).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 114 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương trong nước là 96.321,830 tỷ đồng (trong đó có 109 dự án thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; 5 dự án mới chưa được Chính phủ báo cáo Quốc hội).
Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với tổng số vốn là 4.104,674 tỷ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ (trong đó 6 dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã báo cáo Quốc hội và 10 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội).
Chính phủ đề nghị điều chỉnh giảm số vốn 3.158,976 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và 54,97 tỷ đồng vốn đối ứng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để điều chỉnh tăng tương ứng cho 02 dự án mới chưa báo cáo Quốc hội trong nội bộ của Bộ Giao thông vận tải.
Giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để phân bổ hết số vốn còn lại với tổng số vốn là 355.483,485 tỷ đồng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Ủy ban thống nhất chủ trương trên, song đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định.
Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với số vốn còn lại cần thực hiện trước 31/12/2022, sau thời hạn trên, chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý giải ngân đầu tư công vẫn chậm, đây là vấn đề trầm kha nhiều năm. Sau đợt 3, vẫn còn hơn 355 nghìn tỷ đồng Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đây là số tiền rất lớn, đề nghị Chính phủ, bộ, ngành làm rõ vì sao, bao giờ thì phân bổ, giải ngân được số tiền này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, gần hết 1 năm đầu thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng không giao được vốn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.
Nhấn mạnh nhiều người nói “sốt ruột” vì chậm giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ vướng chỗ nào để cùng tháo gỡ, song một trong những yếu tố dẫn đến chậm chính là không giao được vốn.
C.H (t/h)