Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân tại TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam
Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty Cổ phần tổ chức thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các nội dung sau:
Người đại diện phần vốn Nhà nước của Tập đoàn tại các công ty có vốn góp của Công ty mẹ - Tập đoàn về việc chậm báo cáo, xin ý kiến Tập đoàn việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên để chia cổ tức đối với lợi nhuận từ năm 2017 trở về trước theo thời gian quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 trước Công ty mẹ - Tập đoàn chính thức chuyển thành công ty cổ phần, để đảm bảo lợi ích Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, người đại diện vốn của tập đoàn tại Công ty CP thép tấm miền Nam và các doanh nghiệp có vốn góp chưa có biện pháp quản lý kịp thời để tránh thua lỗ, thất thoát vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết có kết quả kinh doanh lỗ (gồm 06 công ty con do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 10 công ty cổ phần do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 11 công ty liên doanh, liên kết).
Ngoài ra, theo cơ quan này, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pa’h chuyển tiền góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác tại Lào, Campuchia khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Công ty TNHH MTV Cao su Eah’leo đầu tư vốn vào Công ty TNHH Kausu Eah’leo BM để thực hiện dự án phát triển cây cao su tại Vương quốc Campuchia, phát sinh khoản phải thu từ tháng 9/2015 do khoản chi phí lãi vay và chi phí tô nhượng đất (số tiền 50.767 triệu đồng) không đủ điều kiện ghi nhận là chi phí đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh chi trả tiền lương cho người lao động vượt quỹ tiền lương được duyệt.
Công ty mẹ - Tập đoàn, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai bảo lãnh vay cho một số đơn vị hoạt động kinh doanh không hiệu quả.
Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định 248/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ngày 30/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 469/QĐ-TTg về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ngày 05/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 38/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, gồm: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su, chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su; Đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt.
Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư tài chính và kinh doanh vốn Nhà nước giao cho Tập đoàn; Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, cây rừng trồng.
Các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, gồm: Các tổng công ty, các công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; các công ty cổ phần do Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; các công ty liên kết do Tập đoàn năm giữ dưới 50% vốn điều lệ; các đơn vị sự nghiệp có thu.
Tuấn Ngọc