Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 24/05/2016.
Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai có tổng diện tích gần 210 ha tại xã Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ) do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án có tổng nguồn vốn xây dựng hạ tầng ban đầu khoảng 640 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong nông nghiệp, thực phẩm và y tế, môi trường tạo tiền đề xây dựng và phát triển khu đô thị công nghệ cao.
Giai đoạn 2011 - 2015, Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai (giai đoạn trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã có 27 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học với tổng phê duyệt kinh phí gần 100 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Nhà nước hơn 80%) đã được đầu tư triển khai nhưng hiệu quả thấp so với kỳ vọng.
Tiến độ thanh quyết toán các đề tài, dự án bị ứ đọng, trì trệ; phần lớn đề tài, dự án chưa có phương án xử lý tài sản hoặc không hình thành tài sản. Đến nay Sở Khoa học và Công nghệ vẫn đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai xử lý tài sản đề tài.
Dù không hiệu quả, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của ngân sách nhà nước nhưng năm 2021, UBND huyện Cẩm Mỹ và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất phương án chuyển Khu công nghệ sinh học công nghệ thành Khu công nghệ cao Đồng Nai, mở rộng thêm 250 ha. Điều này càng khiến nhiều người lo ngại việc tiếp tục đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào đây nếu không được tính toán kỹ lưỡng thì có thể sẽ lặp lại những bất cập của dự án hiện nay.
Được biết, hiện tại Khu công nghệ cao còn có 12 doanh nghiệp thuê đất với diện tích hơn 102 ha nhưng hoạt động không hiệu quả, không tiếp tục đầu tư. Có doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất đã bảy năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai đã xảy ra hiện tượng xây dựng bát nháo. Như có công ty đã xây dựng các hạng mục công trình không phép, chưa đảm bảo mục tiêu và tiến độ thực hiện dự án; nhiều công trình khác không phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt...
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp đã thuê đất mấy năm nay nhưng gặp khó khăn về tài chính, vướng mắc về các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể xây dựng hoặc đi vào hoạt động.
Ở một diễn biển liên quan, cuối tháng 07/2022, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai. Qua thực tế đi thực địa các dự án đầu tư công tại Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, đoàn giám sát nhận định: Các dự án này mặc dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả do có những sai phạm trong quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước chưa được khắc phục triệt để.
Vì vậy, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật tại dự án Khu công nghệ sinh học, cần phải giải trình về các nội dung công tác quản lý, sử dụng đất, trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý dự án, thanh quyết toán kinh phí… không hiệu quả, gây lãng phí, chưa thực hiện đúng mục tiêu đã được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ trở thành cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với các nước trên thế giới, là đầu mối tiếp nhận, chuyển giao và tiến tới sáng tạo công nghệ mới, nhất là lĩnh vực công nghệ liên quan đến sân bay.
Do đó, việc chuyển đổi Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai thành Khu công nghệ cao Đồng Nai sẽ khai thác hiệu quả tốt hơn. Dự kiến, trong quá trình chuyển đổi, Đồng Nai vẫn giữ lại 50ha tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu nghiên cứu, chuyển giao cây, con giống.
Phong Vân